15/06/2017 1:54 PM
Dự án sửa chữa nâng cấp vỉa hè, đường gom tại huyện Chư Sê đã khiến người dân nơi đây khốn đốn đủ đường.
Người dân bức xúc vì cứ phải dịch chuyển nhà liên tục trong thời gian thi công tuyến đường gom
“Đẹp đâu không thấy chỉ thấy đau khổ cho dân. Buôn bán kinh doanh mà cứ suốt ngày sửa chữa, chúng tôi đã phải tự đập nhà của mình lùi vào để làm đường gom theo chỉ đạo đến lần 3 rồi đấy. Người dân chúng tôi nào có chống đối, nhưng cứ tình trạng nay một kiểu, mai một phách, rồi cứ thế bắt dân đập, lùi nhà thì làm sao mà chịu nỗi”, bà Phạm Thị Thủy (SN 1965) bức xúc.
Theo đó, dự án sửa chữa nâng cấp vỉa hè đường Hùng Vương (đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Chư Sê) triển khai từ khoảng tháng 3-2016, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I có chiều dài khoảng 1km; giai đoạn II có chiều dài khoảng 2km.
Dự án được chia làm 3 hạng mục gồm; xây dựng bồn hoa, cây cảnh sát làn đường ô tô với chiều rộng là 3m, tiếp theo là làn đường dành cho xe máy (tức là đường gom) cùng với chiều rộng 3m, 3m còn lại được dùng làm vỉa hè.
Thế nhưng, khi thi công tuyến đường gom thì diện tích chiều rộng của tuyến đường hết sức bất nhất. Nếu như, ở giai đoạn I tuyến đường gom được mở rộng 3m, nhưng giai đoạn II người dân được thông báo sẽ mở rộng 4m. Không những thế, UBND huyện Chư Sê còn không nhất quán trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể, nhiều hộ sau khi đập một phần nhà để lùi vào trong 3m tính từ mép vỉa hè theo thiết kế thì vài ngày sau lại phải lùi vào thêm khoảng 1m (tính từ tim đường đến nhà là 17,5m). Nhiều hộ sửa sang lại nhà sau khi đập bỏ, vôi vữa chưa kịp ráo thì lại có chỉ đạo yêu cầu tiếp tục lùi nhà vào 19,5m tính từ tim đường.
Bất nhất diện tích bề rộng tại tuyến đường gom huyện Chư Sê
Bên cạnh đó, người dân phản ánh, trước khi triển khai thực hiện đường gom, UBND huyện Chư Sê không hề trưng cầu ý dân mà chỉ ra thông báo rồi bắt phải tuân theo. “Khi triển khai làm km đường gom đầu tiên, người dân đã tỏ ý kiến không đồng tình thế nhưng, UBND huyện Chư Sê vẫn cứ tiến hành với lý do… nguồn vốn không phải do dân đóng góp nên không phải thông qua dân”, ông Phan Văn Chất (SN 1974, chủ đại lý VLXD Bốn Chất) nói.
Còn theo bà Võ Minh Huệ (SN 1955), trước đây các hộ kinh doanh buôn bán rất thuận lợi nhưng kể từ khi có đường gom thì tình hình hết sức trì trệ, giảm trên 50% lợi nhuận.
Liên quan vụ việc, ông Trần Văn Lam-Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê cho biết, dự án đường gom là chủ trương của huyện Chư Sê. Còn về việc có sự bất nhất về chiều rộng đường gom ở 2 giai đoạn là do giai đoạn I làm 3m thấy hơi chật nên giai đoạn II mở rộng thêm thành 4m. Bởi, hiện không có quy định về độ rộng của đường gom nên ngân sách bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Ông Lam cũng khẳng định đường gom đã được các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải Gia Lai thẩm định và phê duyệt, các bước tiến hành thực hiện đều hợp lý.
Tuy nhiên, khi trao đổi với P/v, ông Đỗ Tiến Đông-Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai khẳng định, việc kiểm tra hồ sơ dự án đường gom huyện Chư Sê không thuộc trách nhiệm của Sở. Sở Xây dựng không thẩm định và cũng không cấp phép cho dự án trên.
Phạm Trọng Nghị (Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.