Đầu tư công khó tiêu hết số tiền đã được phân bổ trong năm nay
Trong một báo cáo của Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ mới đây đã cho thấy dù tốc độ giải ngân đã nhanh hơn nhưng thực trạng giải ngân đầu tư công hiện nay rất chậm.
Cụ thể, tính đến 23/10/2020, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của 52/53 Bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 54/54 báo cáo phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của các đơn vị.
Tổng số vốn đã phân bổ là 523.650 tỷ đồng, đạt 109,53% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (478.105 tỷ đồng).
Về kết quả giải ngân, theo báo cáo, lũy kế thanh toán đến 30/9/2020 đạt 53,36% kế hoạch, ước 10 tháng đạt 60,37% kế hoạch. Trong đó, đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.495 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 30/9/2020 đạt 56,99% kế hoạch; ước thanh toán 10 tháng đạt 63,38% kế hoạch.
Đối với kế hoạch vốn năm 2020, tỷ lệ giải ngân 9 tháng đạt 60,14% và ước 10 tháng đạt 68,26% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 54,69%).
Báo cáo cũng cho hay có 13 Bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31/10/2020 đạt trên 70%, trong đó, 8 Bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 80% gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Nội vụ, Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng nhà nước, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bến Tre, Tây Ninh.
Song, vẫn còn 18 Bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó, có 8 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương (tỉnh Đồng Nai) có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Câu chuyện đầu tư công vẫn là vấn đề "làm sao để tiêu hết tiền", tiêu tiền nhưng phải đảm bảo đúng và hiệu quả. Nhưng không tiêu hết thì phải chuyển lại để dồn sang địa phương khác.
Hiện có 9 bộ ngành và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng.
Thủ tướng cũng nhiều lần nhấn mạnh các địa phương không tiêu hết tiền đầu tư công thì trả lại tiền cho Chính phủ để điều chuyển ngay.
"Phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương. Nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đến 30/9/2020 dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong tháng 10/2020.
-
Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua đá lại
Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rất chậm so với yêu cầu và tình trạng lãng phí, thất thoát cũng chưa được xử lý triệt để… Thậm chí, một số đại biểu còn thẳng thắn cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành vấn đề “trầm kha” và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”