Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 11,71 tỉ USD, chỉ bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53,4%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt ở mức 45,4% và 51,6%.
Ảnh minh họa
Cụ thể, có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 5,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 4,12 tỉ USD (giảm 53,4% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,61 tỉ USD (tăng 45,4% so với cùng kỳ).
Đồng thời có 1.339 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,98 tỉ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỉ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 398 triệu USD và gần 374,8 triệu USD.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,6%, 25,6% và 17,5% tổng số dự án.
Bình Dương là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư từ dòng vốn ngoại với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,52 tỉ USD, tiếp đến là Bắc Ninh và TP.HCM.
Tính tới ngày 20/5, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
-
Doanh nghiệp FDI chiếm gần 70% giá trị xuất nhập khẩu 4 tháng
Trong 4 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 168,37 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ và chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.