Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7, gồm Anh, Pháp, Ðức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Ca-na-đa và Mỹ) diễn ra trong hai ngày 9 và 10-9, tại thành phố cảng miền nam Mác-xây (Pháp).

Hội nghị được tổ chức nhằm tìm biện pháp khôi phục đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là tình trạng suy thoái của nền kinh tế Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.



Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G-7 cam kết thực hiện các biện pháp cứng rắn giúp nền kinh tế thế giới phục hồi và phát triển đúng hướng. G-7 kêu gọi các nước trên thế giới phối hợp chặt chẽ nhằm đối phó tình trạng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và vấn đề nợ công ở Mỹ và châu Âu. Hội nghị đánh giá cao kế hoạch tạo việc làm trị giá 447 tỷ USD mà Mỹ vừa công bố nhằm khôi phục "sức khỏe" cho nền kinh tế số một thế giới; nhất trí với các động thái tích cực gần đây của châu Âu trong nỗ lực kiểm soát nợ công. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G-7 cũng cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm duy trì hoạt động của các hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính.


G7 trong cảnh

Tuy nhiên, hình ảnh "bảy ông ngoảnh về bốn hướng" lại hiện rõ tại Hội nghị lần này. G-7 vẫn bất đồng sâu sắc về phương thức hành động, hay nói đúng hơn là nước nào trong nhóm này cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình hơn là hy sinh vì lợi ích chung. Trong khi Mỹ muốn duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, châu Âu lại chủ trương tiến hành cải cách và các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Mỹ hối thúc Liên hiệp châu Âu (EU) sớm giải quyết các khó khăn của họ để giúp kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái lần thứ hai kể từ năm 2008. Mỹ cũng thúc giục Nhật Bản kích thích tăng trưởng thông qua các hoạt động tái thiết sau thảm họa động đất và sóng thần.


Tuy nhiên, EU và Nhật Bản cho rằng, Mỹ nên nhanh chóng tung gói kích thích kinh tế hơn là trông chờ vào họ. Ðức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cho rằng tại thời điểm hiện nay, các biện pháp kích thích kinh tế không giải quyết được các khó khăn ở châu Âu, thậm chí còn đổ thêm dầu vào lửa. Pháp tuyên bố, châu Âu không thể theo gương Mỹ, nhưng thừa nhận các nước châu Âu cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cao ủy EU về kinh tế và tiền tệ O.Rên nêu rõ, châu Âu cần tập trung vào mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công hơn là các gói kích thích kinh tế, dù khối này ủng hộ gói chi tiêu mà Mỹ vừa công bố.


Trái ngược với những cam kết mạnh mẽ và khá tích cực của Hội nghị G-7, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu lại chao đảo. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 9-9, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 303,68 điểm (2,7%), còn 10.992,13 điểm. Chỉ số MCD của McDonald Corp, một trong 30 cổ phiếu thành viên của Dow Jones, mất giá nhiều nhất, tới 5,37%. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 61,15 điểm (2,4%), xuống 2.467,99 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 cũng giảm 2,7%, tương đương 31,67 điểm, xuống 1.154,23 điểm. Trung bình cứ một cổ phiếu tăng giá thì có bảy cổ phiếu giảm giá. Trái phiếu kỳ hạn mười năm của Bộ Tài chính Mỹ giảm 1,9% giá trị. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng mất giá khá nhanh. Chỉ số chứng khoán CAC của Pháp và Dax của Ðức đều mất giá 4%, FTSC của Anh giảm hơn 2%. Mầu đỏ tràn ngập sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ và châu Âu đã kéo theo đà giảm của dầu thô: dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ giảm 1,81 USD, xuống còn 87,24 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc tại Anh giảm 1,78 USD, xuống còn 112,77 USD/thùng.


Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu bị tác động mạnh, vì thông báo của Hãng tin kinh tế Bloomberg News về việc Ban giám đốc của Ngân hàng Mỹ đã thảo luận kế hoạch cắt giảm thêm 40 nghìn việc làm trong lộ trình tái cấu trúc ngân hàng này. Thủ tướng Ðức A.Méc-ken đã lên kế hoạch dự phòng nhằm bảo vệ các ngân hàng của Ðức trong trường hợp Hy Lạp bị vỡ nợ. Quyết định của ông G.Xtác, người có chủ trương duy trì tỷ lệ lãi suất cao, từ chức khỏi Ban chấp hành Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), là dấu hiệu về sự bất đồng trong cách thức xử lý các khó khăn tài chính của Khu vực đồng ơ-rô, khiến các nhà đầu tư lo lắng. Trước đó, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) cảnh báo về nguy cơ một số nước giàu rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế mới và diễn biến ngày càng xấu của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.



Thị trường tài chính thế giới và giới đầu tư cùng có cảm giác hụt hẫng trước những cam kết chung chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G-7. Một quan chức Mỹ nhận xét, với kết quả nghèo nàn của hội nghị lần này, G-7 rõ ràng đang ở trong cảnh "đồng sàng, dị mộng" và khó đi đến một phản ứng thống nhất, dù mục tiêu chung là ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế tương tự giai đoạn 2008-2009.

Theo Minh Đức (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.