07/03/2018 10:47 AM
Ngày 6/3, Tập đoàn FLC và Hãng sản xuất máy bay Airbus của Pháp có buổi làm việc tại trụ sở FLC, xoay quanh thỏa thuận hợp tác mua máy bay liên quan đến hãng hàng không Bamboo Airways.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn FLC cho biết đã quyết định đặt mua 24 chiếc máy bay A321NEO do Airbus cung cấp. Airbus A321NEO là phiên bản mới thuộc dòng A321 - loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay A320 của Airbus (gồm máy bay A318, A319, A320 và A321). A321NEO có tổng chiều dài 44,51 mét, bố trí 220 chỗ ngồi, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu khí thải và tiếng ồn. Máy bay thuộc dòng vận tải hành khách một lối đi rộng, cửa khoang khách thiết kế mới, lối thoát hiểm được tăng kích thước.
Airbus A321NEO là chiếc máy bay phổ biến và nằm trong biên chế phục vụ của phần lớn các hãng hàng không trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Có kết cấu khoang hợp lý, phạm vi hoạt động từ tầm ngắn đến tầm trung, tỷ suất an toàn cao, A321NEO được đánh giá là sản phẩm phù hợp với cả các tuyến bay giá rẻ và tuyến bay dịch vụ hoàn chỉnh, lý tưởng cho mô hình “lai” (hybrid) kết hợp cả hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống mà Bamboo Airways hướng tới.
Tập đoàn FLC và Hãng sản xuất máy bay Airbus của Pháp làm việc tại trụ sở FLC ở Hà Nội
Trước đó, vào tháng 6/2017, Tập đoàn FLC và công ty Bamboo Airways đã làm việc với hãng Boeing của Mỹ về dự định đặt mua 15 máy bay Boeing.
“Sau khi nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, FLC Group và Bamboo Airways đã đi đến quyết định đặt mua 24 máy bay từ Airbus trong giai đoạn đầu phát triển Bamboo Airways đến năm 2025. Sau khi vận hành và kiểm định hiệu năng, chúng tôi sẽ tính toán thêm các lựa chọn hợp tác mở rộng”, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết.
Hiện Bamboo Airways vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ Việt Nam thông qua. Sau đó, công ty dự kiến sẽ tiếp tục đặt mua thêm 24 máy bay Airbus A321 LR (Long Range) để phục vụ hoạt động, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 48 chiếc.
Airbus A321 LR là mẫu máy bay một lối đi thân dài nhất thế giới, có khả năng bay những tuyến xa xấp xỉ 7.400km, phù hợp để hoạt động tầm trung và dài – thị trường trước đây các mẫu máy bay một lối đi chưa thể thâm nhập.
Trước thông tin này, ông Jean-François Laval - Phó Chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Airbus cho biết A321NEO hiện là mẫu máy bay rất “đắt hàng” với số lượng đơn đặt mua vượt tốc độ sản xuất của Airbus. Tuy nhiên Airbus cam kết sẽ ưu tiên đơn hàng của Bamboo Airways bàn giao trong giai đoạn 2022 - 2025.
Đánh giá cao các bước triển khai quyết liệt của Tập đoàn FLC trong việc thành lập hãng hàng không, ông Jean-François Laval cho biết đã đệ trình đề xuất hỗ trợ về việc đẩy nhanh cấp phép cho Bamboo Airways tới chính phủ và Đại sứ hai nước.
Airbus cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Paris để vấn đề này được quan tâm và đề cập trong chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Pháp trong tháng 3/2018, góp phần thắt chặt mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
“Trong giai đoạn chờ hồ sơ xin giấy phép kinh doanh được thông qua và đơn hàng được xác nhận, tôi đề nghị FLC và Airbus ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3 tỷ USD phục vụ hoạt động của Bamboo Airways”, ông Jean-François Laval đề nghị.
Ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Bamboo Airways đánh giá cao sự hỗ trợ của Airbus trước tiến trình xin cấp phép của Bamboo Airways, và mong muốn hai bên nhanh chóng đi đến ký kết các thỏa thuận để sớm xúc tiến việc bàn giao máy bay.
FLC và Airbus đã đạt thỏa thuận về việc hợp tác mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3 tỷ USD phục vụ hoạt động của Bamboo Airways
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty sở hữu đối với hãng hàng không Bamboo Airways được thành lập năm 2017, là công ty thành viên của Tập đoàn FLC.
Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn....
Chiến lược này vừa nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Theo TTDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.