21/08/2012 7:50 AM
Dù dư vốn, nhiều ngân hàng vẫn tìm cách tăng lãi suất huy động dài hạn. Phải chăng, đằng sau tín hiệu tích cực tạm thời thì vẫn còn đó mối lo về thanh khoản và nợ xấu trong dài hạn đe dọa các ngân hàng?


Các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc cho vay vốn. Nhiều ngân hàng đang trong tình trạng dư tiền, bí đầu ra nên đành phải đi mua trái phiếu có lãi suất thấp, chấp nhận cho vay ngang bằng thậm chí thấp hơn lãi suất huy động đối với những khách hàng tốt. Tuy nhiên, dù dư vốn, nhiều ngân hàng vẫn tìm cách tăng lãi suất huy động dài hạn. Phải chăng, đằng sau tín hiệu tích cực tạm thời thì vẫn còn đó mối lo về thanh khoản và nợ xấu trong dài hạn đe dọa các ngân hàng?

Vẫn cạnh tranh bằng lãi suất

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2012 tính cả trái phiếu DN chỉ đạt 1,06% so với cuối 2011. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn từ đồng nội tệ của hệ thống ngân hàng lại rất mạnh, trên 12% so với cuối năm 2011. Điều này hoàn toàn trái ngược với các năm trước khi tăng trưởng tín dụng thường cao hơn huy động khiến nhiều ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản.

Với khoảng chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động như vậy, các thông báo gần đây của Ngân hàng Nhà nước đều phát đi tín hiệu tích cực về thanh khoản của hệ thống tín dụng.

Còn trên thực tế, các ngân hàng cũng cho thấy họ đang dư tiền khi bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua trái phiếu có lãi suất rất tấp, ngân hàng liên tiếp đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp ngang bằng thậm chí thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những chương trình cho vay bất động sản với ưu đãi lãi suất 0% 3 - 6 tháng đầu và lãi suất cho vay xuống dưới 10%.

Lạm phát thấp, cộng với xu hướng hạ trần lãi suất huy động liên tiếp thời gian qua của NHNN cũng như những dự đoán về khả năng lãi suất thêm 1% trong thời gian tới thì đáng ra lãi suất huy động sẽ được điều chỉnh hạ xuống. Tuy nhiên, trên thực tế thì ngược lại, các ngân hàng vẫn đang chạy đua tăng lãi suất huy động, nhất là huy động vốn dài hạn

Đối với lãi suất ngắn hạn, cách làm cũ là nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn đang huy động với lãi suất ngắn hạn vượt trần 9%. Ngân hàng huy động thấp cũng ở mức 10,3%/năm, cao có thể lên tới 12%/năm cho kỳ hạn 1- 3 tháng. Khi đến gửi tiền, trong hợp đồng ngân hàng vẫn ghi lãi suất 9%/năm, phần chênh lệch lãi suất được trả bằng tiền mặt ngay khi khách gửi tiền, hoặc trả vào cuối kỳ, khi rút gốc, tùy từng ngân hàng.

Cách thỏa thuận hiện nay phổ biến vẫn dự trên từng món gửi. Đối với khoản tiền đến 500 triệu thì cao nhất hiện nay vẫn là 11%. Các khoản trên 1 tỷ có thể đến 12%. Tuy nhiên, đối với khách hàng có nhiều món tiền gửi, với tổng nguồn trên 1 tỷ mà có nhu cầu gửi ổn định, dài hạn thì vẫn được hưởng lãi suất cao nhất là 12%.

Không chỉ với các kỳ hạn ngắn, ở kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên, các ngân hàng cũng đang đua lãi suất. Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trung và dài hạn lên mức 10-12%/năm để hút vốn. Cụ thể, ngân hàng Bắc Á hiện trả lãi 11,9%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng, Seabank là 11%/năm, Vietcombank là 10% cho các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng (tăng thêm 0,5% so với trước), Agribank 12% cho kỳ hạn 24 tháng và 11,5% cho kỳ hạn từ 12 - 18 tháng, BIDV tăng từ 10%/năm lên 12%/năm cho tất cả kỳ hạn trên 12 tháng...

Ám ảnh thanh khoản và nợ xấu

Theo các ngân hàng cho rằng, việc tăng lãi suất dài hạn là nhằm cơ cấu lại kỳ hạn trong bảng cân đối của các ngân hàng. Trước đây, khi Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, người dân chủ yếu gửi tiền kỳ hạn ngắn, khiến 90% vốn huy động của ngân hàng là kỳ hạn ngắn. Chính vì vậy, trong thời gian qua một số ngân hàng đã phải trả giá đắt cho việc bị mất cân đối kỳ hạn nghiêm trọng đối với bảng cân đối tài sản.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hiện nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay mua nhà, vay tiêu dùng trả góp... những khoản cho vay này đều có kỳ hạn dài.

Ngoài ra, với việc lãi suất cho vay giảm, dự báo tín dụng sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới. Vì thế, các ngân hàng đang tranh thủ huy động vốn chuẩn bị cho mùa giải ngân cuối năm.

Tuy nhiên, nhìn nhận về hiện tượng này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng còn ẩn chứa nhiều vấn đề khác.

Theo đó, trước kia do thanh khoản yếu, nhiều ngân hàng đã phải vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước và nay đến kỳ hạn thanh toán vì vậy phải tăng huy động để lấy tiền chi trả.

Vấn đề quan trọng nữa là do nợ xấu và nợ quá hạn gây ra. Thông thường khi cho khách hàng vay thì đến kỳ hạn phải thu về, nhưng do khách hàng không thể trả nợ đúng hạn, tiền không thu hồi được, trong khi đó ngân hàng vẫn phải trả lãi vay, trả gốc cho người gửi tiền và không còn cách nào khác là phải tăng huy động để lấy tiền khoản vay mới trả cho khoản vay cũ.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, tăng trưởng huy động nội tệ 7 tháng qua là 12% nếu tính lãi suất huy động thời điểm đầu năm 2012 là 14% (trên thực tế còn cao hơn) thì 6 tháng đầu năm các ngân hàng sẽ phải chi trả khoảng ít nhất là 7% rồi, số còn lại trả cho vay tái cấp vốn thì chẳng còn là bao nhiêu, vì thế có thể nói đến nay nhiều ngân hàng vẫn đang gặp vấn đề về thanh khoản.

Ngoài ra, thời gian qua do tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng đã đầu tư vốn vào mua trái phiếu. Với lãi suất trái phiếu khoảng 9-11%, được cho là cửa để tránh thua lỗ cho nên các ngân hàng đã sử dụng nguồn vốn lớn để mua trái phiếu. Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng huy động trúng thầu từ trái phiếu Chính phủ đã đạt tới 87.464 tỷ đồng, vượt qua khối lượng trúng thầu của cả năm 2011 là 81.716 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho rằng thanh khoản của các ngân hàng tuy đã được cải thiện, nhưng chưa hẳn đã "bình phục" hoàn toàn, hiện tượng tăng lãi suất huy động không phải để cho khách hàng vay đã nói lên điều này. Tình trạng này thể hiện sự bất ổn của nền kinh tế. Trong khi DN đang sống dở chết dở thì tiền vẫn chạy lòng vòng không đưa vào sản xuất. Kết cục là DN không có vốn, không thể tiếp tục hoạt động, phải đóng cửa, nợ hiện tại lại trở thành nợ xấu, ngân hàng lại tiếp tục không cho vay, như vậy nền kinh tế không thể phát triển.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng huy động cao, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp mà vẫn phải đua tăng lãi suất chỉ có thể lý giải là nợ xấu vẫn tiếp tục tăng. Tiền huy động không đưa vào sản xuất mà đập vào thiếu hụt thanh khoản do không thu hồi được nợ đúng kỳ hạn thì hệ thống ngân hàng vẫn chưa thế nói là ổn được.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.