01/11/2015 8:23 AM
Nợ xấu ế ẩm các nhà đầu tư mới chỉ tiếp cận tìm hiểu nước đầu mà chưa có ai đặt vấn đề cụ thể.

Tốc độ xử lý chậm

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty quản lý tài sản (VAMC) cho biết, tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 18/10/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) để mua nợ xấu của Tổ chức tín dụng (TCTD) được 13.065 khoản nợ tương ứng với 91.963 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 82.681 tỷ đồng của 39 TCTD.

Lũy kế từ 2013 đến 30/9/2015, VAMC đã phát hành 191.333 tỷ đồng giá trị TPĐB mua nợ xấu với giá trị dư nợ gốc 225.518 tỷ đồng.

Sau 3 năm hoạt động VAMC đã thu hồi được 8.000 tỷ đồng nợ xấu. Ảnh minh họa

Cùng với việc mua nợ xấu bằng TPĐB, từ đầu năm đến 16/10/2015, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt 10.694 tỷ đồng, số lũy kế từ 2013 đến hiện tại là 15.669 tỷ đồng.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy bán giám sát Tài chính Quốc hội cũng cho hay, sau 3 năm xử lý, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 3% (tháng 8/2015). Tổng số nợ xấu hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý từ năm 2012- 2015 là trên 400 nghìn tỉ đồng. Trong đó 45% xử lý qua VAMC, 28% xử lý bằng nguồn khoản dự phòng rủi ro, 27% qua hình thức khác.

Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động VAMC mới thu hồi được 8.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi đã mua lại 45% nợ xấu của toàn hệ thống.

Nhà đầu tư nước nước ngoài "đến rồi đi"

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, so với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân trong quá trình triển khai xử lý gặp một số bất cập như:

Thứ nhất, VAMC không thể tiến hành cơ cấu nợ cho khách hàng khi Tổ chức tín dụng chưa thống nhất.

Thứ hai, trong thu giữ tài sản: chủ tài sản không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, khách hàng đã đi khỏi địa phương…thậm chí sau khi thực hiện thu giữ tài sản, khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC.

Thứ ba, việc phát mại tài sản phải thông qua đấu giá mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp; Khách hàng thường không chấp nhận định giá tài sản theo mức giá thị trường mà luôn yêu cầu phải đủ để trả nợ gốc và lãi; Bên bảo đảm không hợp tác bàn giao tài sản, xác định giá trị bảo đảm dẫn đến VAMC, Tổ chức tín dụng không thể xử lý để thu hồi nợ.

Thứ tư, VAMC không có quyền chủ động quyết định xử lý những khoản nợ xấu mua bằng TPĐB, không có nhiều vai trò định đoạt tài sản đảm bải các khoản nợ xấu đã mua…

Cũng theo ông Hùng, trong thời gian vừa qua, nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để mua bán nợ xấu. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ xấu, sở hữu đất đai, tái cấu trúc doanh nghiệp và đặc biệt là vai trò hạn chế của VAMC trong quyết định các vấn đề về bán nợ, bán TSĐB…các nhà đầu tư mới chỉ tiếp cận tìm hiểu nước đầu mà chưa đặt vấn đề cụ thể.

Ông Hùng cho biết, những khó khăn vướng mắc về pháp lý để xử lý nợ xấu đó là vai trò của cơ quan chức năng trong thu giữ tài sản. Thủ tục tố tụng và thi hành án cũng gặp nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, hệ thống quy định pháp luật để vận hành thị trường chưa đầy đủ. Đó là quy định về quyền và trách nhiệm của người mua nợ, người bán nợ, xử lý nợ. Việc định giá khoản nợ đến nay chưa có quy định cụ thể, cơ sở xác định giá trị của khoản nợ rất phức tạp. Việc đấu giá một TSBĐ phải thực hiện trong 3-5 tháng mới có thể thành công.

“VAMC cần có những khuôn khổ pháp lý đặc biệt trong xử lý nợ xấu. Có thể xây dựng bộ luật xử lý nợ xấu, làm rõ quyền và trách nhiệm người đi vay, cho vay, xử lý nợ xấu. Nếu không có khuôn khổ pháp lý đặc biệt thì cho dù có tiền thật cũng khó có thể xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu”, Chủ tịch VAMC cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch nói: “Tôi nói thật nếu cơ chế mua bán tài sản mà Bộ Luật dân sự quy định về quyền của chủ nợ liên quan đến tài sản thế chấp như hiện nay thì tài sản bất động sản 5 năm cũng không bán được, đừng có nói giải quyết được. Khi ngân hàng muốn bán tài sản nhưng con nợ không chịu hợp tác thế là đành chịu”.

Theo TS. Trần Du lịch, vấn đề hiện nay là đang vướng về Luật dân sự và các quy định. Cần phải xem lại quyền của chủ nợ đối với tài sản thế chấp như thế nào.

TS. Trương Văn Phước cũng chỉ ra một số bất cập, tồn tại như: hiện nay thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa có cơ chế định giá nhanh; chưa hình thành được thị trường mua bán nợ thứ cấp, do đó chưa tận dụng được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt thủ tục xử lý tài sản thế chấp còn nhiều phức tạp, qua nhiều khâu xử lý kéo dài.

Do đó theo ông cần hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý nợ xấu: tài sản đảm bảo, cơ chế cấn trừ nợ, xiết nợ, thủ tục thi hành án, cơ chế định giá nhanh…

Diệu Thùy (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.