Đưa vào sử dụng từ cuối năm 2007, khu nhà ở phục vụ công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã góp phần giải quyết chỗ ở cho các công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng đã nảy sinh một số bất cập, nhưng chủ đầu tư chậm khắc phục, gây bức xúc trong dư luận.

Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 61 nghìn công nhân, trong đó số lao động từ các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình... chiếm hơn 40 nghìn người. Số còn lại là người Hà Nội, nhưng trong số này cũng có khoảng một nửa đến từ các huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức cách xa nơi làm việc, cho nên nhu cầu về chỗ ở của công nhân rất lớn. Trước đây, các công nhân phải tự tìm thuê nhà trọ tại các xã chung quanh khu công nghiệp, chủ yếu là ba xã Kim Chung, Hải Bối và Võng La, để thuận tiện cho công việc hằng ngày. Tuy nhiên, do số lao động tập trung quá lớn, từ 25 đến 30 nghìn người, có thời điểm lên tới hơn 40 nghìn người, trong đó riêng tại xã Kim Chung, người thuê trọ lên đến khoảng 30 nghìn người, gần gấp ba lần số dân của xã, dẫn đến quá tải hệ thống hạ tầng cơ sở, xã hội của ba xã trên. Nhiều vụ việc mất an ninh trật tự, trộm cắp tài sản... thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, do các nhà trọ được người dân đầu tư xây dựng tạm bợ, chủ yếu là tận dụng các diện tích đất trống, khu phụ trong nhà rồi sửa chữa, vá víu, nên chất lượng nhà ở rất kém.

Để khắc phục tình trạng này, nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người lao động, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư dự án thí điểm xây dựng nhà ở phục vụ công nhân tại xã Kim Chung. Dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một xây dựng 24 khu nhà năm tầng, với gần 1.000 căn hộ, tổng cộng gần 9.200 chỗ ở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Giai đoạn hai gồm ba khối nhà cao 15 tầng, với gần 550 căn hộ, đáp ứng hơn 2.350 chỗ ở đã cơ bản hoàn thành và đang trong quá trình bàn giao, chuẩn bị đưa vào khai thác. Ngoài ra, trong khu nhà ở còn một số hạng mục phụ trợ như nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, vườn hoa, thảm cỏ... Các tòa nhà giai đoạn một hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở cho công nhân khu công nghiệp, giảm sức ép quá tải đối với hệ thống hạ tầng của khu vực. Nhiều doanh nghiệp lớn như Ca-non, Pa-naso-nic, Fu-ji... đã thuê cả tòa nhà bố trí cho công nhân ở, giúp họ yên tâm, gắn bó lâu dài với công ty.

Tuy nhiên, do thời gian qua tình hình sản xuất gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, cho nên cắt giảm số lượng nhà thuê cho công nhân. Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) Bùi Minh Tuân cho biết, thời điểm mới tiếp nhận quỹ nhà ở công nhân vào tháng 12-2007, số căn hộ cho thuê được khai thác tối đa.

Thậm chí nhiều đơn vị muốn thuê thêm diện tích cũng không được đáp ứng. Nhưng từ cuối tháng 7 năm nay, xí nghiệp chỉ còn cho thuê trọn gói 16 khu nhà với năm công ty. Tám khu nhà còn lại, với gần 330 phòng, tương ứng hơn 3.600 chỗ ở bị bỏ trống, không có khách thuê.

Sau một thời gian sử dụng, đã phát sinh một số bất cập tại các khu nhà như: tình trạng thấm dột tại các tòa nhà như D1, D2, D3, C2, N2, nước sinh hoạt yếu, đèn chiếu sáng trục đường chính không hoạt động, nước thải tràn ra đường..., ảnh hưởng đến sinh hoạt của công nhân.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Ca-non Việt Nam Phạm Thị Vân Anh, đơn vị có số lượng công nhân lớn nhất hiện đang sinh sống tại đây phản ánh, công nhân đã nhiều lần đề nghị đơn vị quản lý tòa nhà sớm khắc phục các hư hỏng trong khu nhà, nhưng không được các đơn vị quan tâm giải quyết hoặc tiến độ khắc phục rất chậm trễ, không triệt để, gây bức xúc trong công nhân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hư hỏng trên tập trung tại các tòa nhà đang trong thời gian bảo hành, trong đó Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có mười khu nhà, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) có tám khu. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của tòa nhà trong thời gian bảo hành thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Hơn nữa, đây chỉ là những lỗi nhỏ, hoàn toàn có thể khắc phục triệt để, nhưng chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện, chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí còn có biểu hiện "câu giờ", đợi hết thời gian bảo hành để thoái thác trách nhiệm.

Trước thực tế này, UBND thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư trong việc xử lý, khắc phục các hư hỏng công trình trong thời gian bảo hành. Sớm khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu nhà, hoàn thiện các hạng mục phụ trợ như vườn hoa, cây xanh, nhà văn hóa... Đơn vị quản lý tòa nhà cần đổi mới, mở rộng cách tiếp cận các khách hàng, thay vì chỉ ngồi chờ đợi người đến thuê nhà, dẫn đến tình trạng bỏ trống căn hộ, gây lãng phí ngân sách nhà nước và khiến các tòa nhà nhanh xuống cấp.

Đắc Sơn (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.