10/06/2016 8:04 AM
Chủ tịch UBND TPHCM đi thị sát và tận mắt chứng kiến nhà dân bỗng dưng biến thành hầm. Thị sát để thấy sự bất hợp lý, để thấy dân khổ, và để thấy năng lực của cán bộ dưới quyền ông Chủ tịch như thế nào.

Một con hẻm trên đường Kinh Dương Vương được nâng cao lên tới nửa cửa chính nhà dân. Ảnh: Dân trí

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM càng chống nước càng ngập, các cơ quan chức năng nghĩ ra cái mưu tôn cao nền đường để biến nhà dân thành hầm trú ẩn và cũng là các túi chứa nước khi mưa lớn. Chỉ riêng đường Kinh Dương Vương đã có 539 hộ dân bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng như thế nào? Những bức tường xây lấp mặt nhà, dân đi lại không đường, nhà thành hầm, thay vì đi vào đi ra thì chui vào chui ra, các con hẻm trong khu dân cư ra đường bị cắt cụt, việc kinh doanh của người dân bị xáo trộn vì nhà không có lối vào ra. Chính vì vậy nên Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phê bình chủ đầu tư dự án, UBND Q.Bình Tân và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước vì làm ăn tắc trách, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Sẽ còn nhiều đường bị ngập như đường Kinh Dương Vương, vậy thì tiếp tục tôn cao nền đường hay sao? Nếu theo cái chước này, tiền tấn bỏ ra để biến nhiều con đường thành đê và cư dân hai bên đường sống trong hầm trú ẩn. Những con đường đê biến TPHCM thành một hình mẫu đô thị xấu xí nhất hành tinh chứ không ngọc ngà xứ viễn Đông như mơ ước.
Các ông cán bộ nghĩ ra chuyện này hãy thử đem vợ con tới sống ở một căn nhà dưới hầm vài ngày xem có chịu thấu không. Các ông thừa biết không thể sống như vậy được nhưng vẫn cứ làm.
Người dân còn nhớ trong chuyến thị sát cuộc sống người dân trên kênh rạch ở quận 8 ngày 23.5, Bí thư Đinh La Thăng hỏi ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước “còn bao nhiêu dân đang bị ngập?”, ông Công không trả lời được. Bí thư Thăng nói: “Anh phải đặt mục tiêu là mỗi năm có bao nhiêu người dân hết ngập, chứ không phải lập ra dự án để chi bao nhiêu tiền. Nếu dự án lập ra để chi tiền thì chi hết tiền là xong dự án à?”. Chuyện chi hết tiền là xong dự án không chỉ xảy ra ở các con mương quận 8, mà nó còn ở nhiều nơi khác, cứ thị sát hết các dự án hạ tầng tại TPHCM các vị lãnh đạo khắc rõ.
“Anh phải đặt mục tiêu là mỗi năm có bao nhiêu người dân hết ngập, chứ không phải lập ra dự án để chi bao nhiêu tiền”, lời nói quá đau nhưng đúng. Làm dự án chi bao nhiêu tiền cũng được, nhưng hãy tính bao nhiêu người dân được thoát ngập. Còn cứ tiêu tiền mà dân vẫn sống trong ngập lụt thì nên về nghỉ cho dân nhờ.
Lê Thanh Phong (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.