27/10/2016 3:13 PM
Đưa vào sử dụng từ năm 2012, đến nay QL 61C đã bị xuống cấp, trong khi vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Do mưa nhiều, nhà thầu phải chịu trách nhiệm sửa chữa
Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang đang bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện “ổ trâu”, “ổ voi”, nước đọng thành vũng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, khiến người dân bức xúc.
Được biết, công trình được đưa vào sử dụng từ 19/5/ 2012, có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 1A với đường dẫn cầu Cần Thơ, TP Cần Thơ. Điểm cuối giao với quốc lộ 61 có tổng chiều dài tuyến hơn 47km, rộng 11m đi qua quận Cái Răng và huyện Phong Điền của TP Cần thơ và đi qua 3 huyện Châu Thành A, Vị Thủy và Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang.
Dự án đường có thiết kế với quy mô 2 làn xe, với kinh phí đầu tư giai đoạn đầu gần 3.400 tỷ đồng.
Trước thông tin trên, ngày 26/10, trao đổi với Đất Việt, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi cũng đã nhận và nắm bắt được phản ánh của người dân tại khu vực trên, đã cho người xuống xem xét để xử lý.
Người dân chặt cây để làm biển báo cho người đi đường. Ảnh Dân Trí
Tuy nhiên, đây là tuyến đường Quốc lộ, nên chịu trách nhiệm của Bộ GTVT, cụ thể là Tổng cục đường bộ. Thành phố chỉ đảm nhận sự ủy quyền của Bộ trong quá trình xây dựng, còn việc kiểm tra nguyên nhân, yêu cầu nhà thầu xây dựng công trình sửa chữa là trách nhiệm của Bộ".
Bên cạnh đó, theo ông Thống, tỉnh sẽ gửi văn bản báo cáo lên trên Bộ để xử lý. Về phía tỉnh, sẽ xem lại nguyên nhân vì sao, xem do khâu khảo sát hay thi công công trình.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN cho biết: "Trong miền Nam năm nay mưa rất to, 1 ngày có thể mưa 4-5 trận, vừa qua, tôi cũng đã đi thị sát các tỉnh đến tận Cà Mau, nhiều nơi rơi vào hiện tượng này. Bây giờ, mưa nhiều thì sẽ chỉ khắc phục bằng cách đưa đá 46 ra lu để đảm bảo giao thông, sau đó, hết tháng 11 mùa mưa thì sẽ làm đường trở lại.
Chắc chắn là nhà thầu xây dựng QL 61C phải sửa chữa tuyến đường này, vì vẫn đang trong thời hạn bảo hành. Không riêng gì tuyến đường này, mà một số tuyến đường như QL1, cũng phải sửa chữa, làm sao đảm bảo an toàn giao thông.
Các nhà thầu thi công hiện nay vẫn đang tiến hành sửa chữa, người dân còn đoạn đường nào đang xuống cấp, thì hãy nhắn tin báo cho chúng tôi, để chỉ đạo ra đó kiểm tra, xử lý ngay".
Cùng với đó, theo ông Huyện, đoạn đường Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang, vẫn đang còn 100 tỷ đồng chờ sẵn để trải thảm nhựa lại, chỉ là do mưa chưa sửa được. Có lẽ cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ làm được, Tổng cục sẽ thúc đốc nhà thầu làm ngay khi có thể.
Về nguyên nhân tuyến đường xuống cấp, ông Huyện lý giải: "Năm nay, lượng mưa quá lớn khác mọi năm, nên mặt đường bị bong ra, ở đây là do phần bên dưới kết cấu nền đường, mưa đột xuất năm nay mưa lớn mới bong lên, do bão lũ cấp bách, nên đường bị hỏng.
Nhà thầu phải chịu trách nhiệm sửa chữa, làm sao cho tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông".
Chất lượng thi công bề mặt nhựa không đảm bảo?
Khi nhìn những hình ảnh về tuyến đường trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn công nghệ và quản lý xây dựng, Trường ĐH Xây dựng HN cho biết: "Con đường này mới đưa vào sử dụng 4 năm, việc mưa nhiều kéo dài chỉ là nguyên nhân trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa có 2 vấn đề:
Một là, đoạn này nhựa trải lên bề mặt đó chất lượng kém, nên xuất hiện nứt rạn trên mặt đường, nếu nhựa tốt thì sẽ không có hiện tượng nứt thành từng mảng như quả na như vậy.
Hai là, nguyên nhân trực tiếp, trời mưa dài, ngấm nước vào các đoạn đường đó, rồi xe quá tải chạy qua, dằn mặt đường khiến cho nước ngấm sâu vào dưới lớp nhựa, tạo nên ổ nước, ổ nước này tạo thành các ổ voi, ổ trâu như vậy".
Theo vị chuyên gia trên, đoạn nào trên mặt nhẵn láng bóng nhựa tốt thì không có hiện tượng nứt đường, còn đoạn nào nứt vỡ là do chất lượng nhựa cứng, nên không giữ được nước ngấm xuống lòng đường.
"Để xử lý thì phải thảm lại bề mặt các đoạn đường đó, chứ không thể đổ hết do ông trời, do trời mưa, vì đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa là chất lượng đường không đảm bảo, xe quá tải chạy quá nhiều nên phá đường, vì thiết kế đường có khối lượng cụ thể.
Muốn xử lý triệt để phải chặt đoạn đường nhựa đó, rồi thảm lại, nếu không muốn tốn kém thì vá lại tất cả các chỗ bị thủng rồi thảm một lớp nhựa khác lên. Đó là 2 cách xử lý", ông Thám nhận định.
Đồng thời, ông Thám chỉ rõ: "Thời tiết từ xưa đến nay chỉ là một chất thử chất lượng của đường, khi thiết kế đường phải tính mưa, nắng nên đừng đổ lỗi cho trời mưa".
Châu An (Đất việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.