06/06/2015 8:04 AM
Theo quy định người dân chỉ được xây nhà ở tạm tối đa hai tầng. Tuy nhiên, không hiểu quản lý thế nào mà người dân vẫn xây đến 3-4 tầng nên bây giờ chi phí giải phóng mặt bằng đội lên.

Dài gần 700 m, tổng mức đầu tư 1.767 tỉ đồng - đó là hai con số được dư luận quan tâm nhất về dự án đường nối từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ, Hà Nội (đoạn 3 của dự án đường Vành đai I). Đây là đoạn đường có suất đầu tư đắt nhất Việt Nam, thậm chí đắt nhất trong khu vực (hơn 2,5 tỉ đồng/m) nên được nhiều người ví von là “đường đắt nhất hành tinh”.

. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng quy hoạch đường Vành đai I có muộn, lại chậm triển khai dẫn tới giá thực hiện các dự án rất cao (trong đó đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn). Ông nhận định thế nào về việc này?

+ TS Đào Ngọc Nghiêm (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội: Quy hoạch của toàn tuyến đường vành đai I đã có cách nay 15 năm (đặt ra từ năm 1998, tới năm 2001 mới được phê duyệt). Ngoài mục đích chống ùn tắc cho khu vực nội đô, quy hoạch còn đặt ra mục tiêu tạo lập diện mạo đô thị khang trang hai bên tuyến đường.

Hướng tới mục tiêu này, ngay từ lúc đầu TP Hà Nội đã đặt ra yêu cầu khi thực hiện dự án sẽ không chỉ giải phóng mặt bằng trong chỉ giới mà thu hồi thêm diện tích đất hai bên đường để tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư nhằm bù đắp chi phí làm đường.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ Hà Nội không đủ nguồn lực, kinh phí để thực hiện phương án nêu trên nên sau đó phải điều chỉnh quy hoạch. Chủ trương mới là tập trung giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường trước, triển khai chỉnh trang hai bên đường sau. Nhưng quá trình triển khai cũng không suôn sẻ do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan và đến bây giờ chúng ta mới thấy được bài học kinh nghiệm. Đoạn 1 Kim Liên - Ô Chợ Dừa từng được xem là “đắt nhất hành tinh”, đến đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu còn đắt hơn nữa. Giờ đoạn 3 từ Hoàng Cầu đến nút giao Giảng Võ - Láng Hạ chuẩn bị làm sẽ tiếp tục phá kỷ lục “đắt nhất hành tinh”, chủ yếu do chi phí giải phóng mặt bằng quá cao.

. Ông có thể nói rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan cụ thể là như thế nào?

+ Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, nhất là khâu quản lý xây dựng hai bên đường. Điều này một phần do năng lực của địa phương, đồng thời cũng do cơ chế chính sách chưa đồng bộ.

Khi phương án giải phóng cả hai bên đường chưa thực hiện được,TP đã cho phép người dân xây nhà tạm để ở. Quy định lúc đó là người dân chỉ cải tạo, chỉnh trang theo hiện trạng hoặc được xây nhà ở tạm với quy mô hai tầng. Tuy nhiên, không hiểu quản lý thế nào mà người dân vẫn xây đến 3-4 tầng. Vì vậy bây giờ chi phí giải phóng mặt bằng chắc chắn phải cao hơn dự kiến.

Còn về nguyên nhân khách quan thì ai cũng thấy là do kinh tế phát triển, do giá đất ngày càng cao hơn nên giá bồi thường đương nhiên cao hơn thời điểm lập quy hoạch.

. Lâu nay dư luận vẫn phản ánh Hà Nội mất tiền nhiều để làm đường Vành đai I nhưng vẫn không có cảnh quan đô thị đẹp. Có giải pháp nào để cải thiện điều này không, thưa ông?

+ Đúng là trên đoạn 1, đoạn 2 (tức đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa và Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) đang tồn tại rất nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị. Hà Nội đã mất nhiều tiền để làm đường Vành đai I nhưng quả thật chúng ta “có đường mà không có phố”, tức chỉ đạt mục tiêu giải quyết giao thông chứ chưa đạt mục tiêu cải tạo cảnh quan đô thị. Đây có thể coi là bài học kinh nghiệm để Hà Nội triển khai làm tiếp đoạn 3 từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ. Đoạn này Hà Nội sẽ làm theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép trong Luật Thủ đô (có hiệu lực từ năm 2013) là mở đường thì giải phóng mặt bằng cả hai bên đường. Điều này có nghĩa là diện tích mặt bằng phải giải phóng rộng hơn, chi phí cũng lớn hơn nhưng làm như thế thì mới có cảnh quan đô thị đẹp được.

. Xin cám ơn ông.

Trọng Phú (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.