Số lượng doanh nghiệp bất động sản phá sản vẫn tiếp tục gia tăng trong bối cảnh việc thực thi giải cứu của ngành ngân hàng thông qua các gói cước tín dụng vẫn thẩm thấu nhỏ giọt.


Theo TS Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TPHCM, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) suy kiệt, không còn đủ sức để tiếp cận với nguồn vốn vay mới do chưa thanh khoản được sản phẩm. Hơn nữa, điều kiện ngân hàng thương mại (NHTM) đặt ra khá chặt chẽ với DN: DN phải có tài chính công khai minh bạch, không có nợ xấu trong 12 tháng qua.

Trong tình hình DN phải gánh chịu mức lãi suất vay cao thời gian qua, cộng với đầu ra của sản phẩm bị ùn tắc nên rất ít DN đứng tên trong hạng mục có tài chính lành mạnh, không bị ứ đọng ở ngân hàng.

Phó Giám đốc Cty TNHH Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực, cho rằng: Lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức trên 17%, việc tiếp cận vốn vay và lãi suất thấp hơn 17% là rất khó khăn. Nếu doanh nghiệp vay lãi suất 17% chỉ để kéo dài thời hạn phá sản, chứ chưa nói tới việc kinh doanh có lãi. Trong khi đó, ở thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, người dân nếu vay mua nhà mà phải trả lãi 17% thì rủi ro quá lớn.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, chia sẻ: “Động thái của NHNN là cần thiết, chính xác, nhưng lại không đưa ra lộ trình là khi nào DN được vay với lãi suất giảm tương ứng. Nếu không có kiểm tra giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng thì sẽ có hiện tuợng lách luật, biến chủ trương của Nhà nước thành méo mó và ảnh hưởng tới hệ thống DN…”.

Theo tính toán của một vị lãnh đạo công ty bất động sản (BĐS), việc lãi suất huy động hiện nay là 12%/năm, theo tinh thần của NHNN trong năm 2012 lãi suất có thể sẽ giảm xuống còn 10%/năm (mỗi quý giảm 1%) kéo theo lãi suất đầu ra giảm nên việc gửi tiết kiệm cũng sẽ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với những người có tiền nhàn rỗi.

Ngoài ra, hiện một số kênh đầu tư khác đã không còn hấp dẫn: Giá vàng trong nước ít biến động và đang có xu hướng giảm, thêm vào đó, giá BĐS cũng đã giảm rất nhiều (giảm khoảng 30- 50%) so với cách đây 2- 3 năm, cộng với các chương trình chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn nên những người có tiền gửi đang có xu hướng rút tiền mặt từ ngân hàng để chuyển sang kênh đầu tư BĐS.

Ngân hàng nên chia sẻ khó khăn cùng DN

Đánh giá về tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea), ông Lê Hoàng Châu lại cho rằng: Hệ thống ngân hàng được ưu tiên bảo vệ trong sự điều chỉnh chính sách vĩ mô, trong khi đó ngân hàng cũng là DN, ngân hàng nào tốt thì được bảo vệ và ngân hàng nào kém thì phải bị tiêu vong, cách nhìn này phải được điều chỉnh bởi đó là quan điểm mà quan điểm này sai dẫn đến hệ thống chính sách sẽ sai theo.

“BIDV vừa thực hiện gói áp dụng lãi suất cho vay 14,5-15% là động thái tích cực đối với thị trường BĐS. Các doanh nghiệp BĐS hy vọng cách làm của BIDV tiếp tục được thực hiện đồng bộ trong toàn bộ hệ thống các ngân hàng, đặc biệt là các hệ thống ngân hàng lớn để tạo động lực cho các ngân hàng khác. Gói hỗ trợ này nên ưu tiên cho người mua nhà bởi hiện nay việc hỗ trợ lãi suất mới dừng lại ở đầu vào của sản phẩm BĐS mà quan trọng hơn là sản phẩm chưa tác động đến đầu ra trên thị trường”, ông Châu nhấn mạnh

Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP. HCM, ông Lê Chí Hiếu thẳng thắn: Ngân hàng đã được Chính phủ ưu ái và thu được lợi nhuận quá nhiều trong những năm qua. Đã đến lúc cần phải chia sẻ gánh nặng với nền kinh tế, ít nhất là với những người dân thực sự có nhu cầu về nhà ở. Đó cũng là cách để tự cứu hệ thống ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng nợ xấu mà vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng cũng cần phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để tự cứu mình cũng giống như các DN bất động sản đã làm, còn hơn cứ giữ mức lãi suất cho vay hiện tại nhưng không thể cho vay ra được, vốn bị tồn đọng do lãi vay vẫn cao so với khả năng của DN và khách hàng.

Theo ông Hiếu, ngân hàng cũng không nên quá cứng nhắc trong việc đặt ra các tiêu chí đối với các DN đi vay, mặt khác cần xem xét trong từng bối cảnh kinh tế cụ thể để có thể lựa chọn và sàng lọc các DN để hỗ trợ cho vay với các tiêu chí bớt khắc khe hơn.

Nhìn nhận một cách khái quát, TS. Lê Xuân Nghĩa (Vụ trưởng Vụ Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cảnh báo: việc kêu gọi các NHTM giảm lãi suất hay một số NHTM đưa ra gói tín dụng với lãi suất giảm thực chất cũng không thể cứu được doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ có Chính phủ mới có thể cứu hàng vạn doanh nghiệp đang ngưng hoạt động hoặc phá sản. Nếu tình trạng này kéo dài thì nền kinh tế sẽ phải trả giá trong tương lai. Đó là thất nghiệp, đời sống người dân khó khăn, kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Tiền Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.