CafeLand – Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải ghi tên hai vợ chồng để đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ, giảm bớt thời gian khiếu nại, khiếu kiện khi xảy ra tranh chấp đất đai.

Đảm bảo bình đẳng cho phụ nữ

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả vợ và chồng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc này sẽ đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai.

Bộ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền của người phụ nữ đối với tài sản của chung vợ và chồng, trong đó, có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các địa phương tạo thuận lợi cho việc cấp/đổi Giấy chứng nhận đã chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai (Khoản 4 Điều 98 của Luật Đất đai, Điều 76 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai).

Đẻ thêm thủ tục, tốn thêm thời gian?

Chia sẻ về đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, anh Bình (ngụ Thành phố Thủ Đức) thắc mắc, quy định sổ đỏ phải ghi tên cả hai vợ chồng là khuyến khích hay mang tính chất bắt buộc?

Hiện nay người mua nhà ở có thể đứng tên hai vợ chồng hoặc một mình vợ hoặc chồng đứng tên đều được. Thực tế vì để tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục hành chính, cùng nhiều lý do khó nói khác nên không phải ai cũng muốn sổ đỏ bắt buộc phải ghi tên cả hai vợ chồng. Trong trường hợp người vợ hoặc chồng đồng ý chỉ một người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản thì sao? Nếu được thì liệu người dân có phải tốn thêm thời gian, thêm thủ tục hành chính và chi phí hay không?

Trao đổi với CafeLand, Luật sư Lê Trung Phát – Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát TP.HCM cho rằng, sở dĩ hiện nay, việc đăng ký tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (hay gọi tắt là sổ đỏ/sổ hồng) phải bắt buộc ghi tên cả người vợ và người chồng trên đó, nó xuất phát từ căn cứ sau:

Một là theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “… Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”

Hai là theo khoản 4 Điều 98 Luật Đất Đai 2013 có quy định “…quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”.

Như vậy, nếu giữa vợ và chồng không có thỏa thuận tài sản riêng hoặc thỏa thuận trong việc ủy quyền cho người còn lại đứng tên trên sổ, thì buộc trong quá trình xin cấp mới hoặc cập nhật thông tin trong sổ đỏ/hồng buộc phải ghi tên cả hai vợ chồng.

Nếu trong quá trình xin cấp/cập nhật sổ mà các bên muốn chỉ có một người đứng tên, thì bên còn lại sẽ làm giấy ủy quyền cho việc này tại văn phòng công chứng. Để khi xin cấp/cập nhật sổ sẽ bổ sung vào hồ sơ để cơ quan chức năng cấp giấy.

Theo Luật sư Phát, thực ra quy định này không phải là nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Bởi quyền của người vợ đã được Luật Hôn nhân và Gia đình bảo vệ theo Điều 34 nêu trên. Tức nếu không có căn cứ để xác định tài sản của người chồng có được là tài sản riêng hoặc hai bên có thỏa thuận là tài sản riêng của Chồng, thì hiển nhiên tài sản này được xem là tài sản chung. Và khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng hoặc các loại giao dịch khác, buộc phải có ý kiến bằng văn bản hoặc chữ ký của người vợ.

Việc quy định bắt buộc tại thời điểm xin cấp/cập nhật sổ phải có văn bản ủy quyền của một bên, để sổ được cấp đứng tên một người là việc làm gây phiền cho người dân. Tức thời điểm đó thay vì một bên xuất hiện để nhận chuyển nhượng, thì phải có hai người đứng ra thực hiện giao dịch hoặc một bên đứng tên ký, bên còn lại phải ký giấy ủy quyền (tức lúc nào cũng phải có cả vợ và chồng đi cùng) sẽ tạo ra việc mất thời gian của người dân. Chỉ cần khi bán, phải có ý kiến bằng văn bản của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng cùng đứng tên ký là phù hợp. Bởi lúc đó nó liên quan đến quyền lợi của họ trong việc thụ hưởng giá trị tài sản mà họ đã tạo lập.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.