Mịt mù đường rút vốn
Trong vai khách hàng đến rút vốn đầu tư tại dự án Hesco Văn Quán chúng tôi tìm đến công ty Hạ Long - đơn vị phân phối độc quyền dự án Hesco Văn Quán, CT3 Trung Văn, 409 Lĩnh Nam...Hợp đồng góp vốn của phần lớn khách hàng tại dự án Hesco đều được ký kết với công ty Hạ Long với giá trị từ 30 - 50% giá trị hợp đồng mua bán. Tìm đến địa chỉ 73 Hoàng Ngân – Thanh Xuân – Hà Nội cửa chính của ngôi nhà 4 tầng luôn được đóng kín. Ngay dưới biển số nhà là tờ giấy A4 với dòng chữ “Đi cửa sau”. Vòng qua cửa sau ở phía hông phải ngôi nhà chúng tôi được bảo vệ chỉ lên tầng 2.
Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc chỉ có một nhân viên. Căn phòng trống hơ trống hoác lãnh lẽo, ảm đạm chỉ có bàn và ghế.
Cửa chính trụ sở của Công ty hạ Long tại địa chỉ 73 Hoàng Ngân - Thanh Xuân - Hà Nội luôn trong tình trạng đóng kín.
Cũng theo nhân viên này thì số tiền vốn góp của khách hàng tại dự án đã được công ty chuyển sang cho chủ đầu tư là Công ty Megastar. Hiện Hạ Long cũng đang thúc giục Megastar về tiến độ thi công cũng như thu xếp nguồn vốn giải quyết cho khách hàng rút vốn.
Với điệp khúc chờ, liên khúc đợi được lần nữa đến cả 2 năm nay cùng những màn tung hứng giữa công ty Hạ Long sang công ty Megastar nhà đầu tư đã quá mỏi mệt trong khi đó tiến độ vẫn chỉ là “dậm chân tại chỗ”.
Lời hứa thì vẫn phải nghe nhưng khách hàng biết bấu víu niềm tin vào đâu khi đó chỉ là những lời “chuyển – phát” của nhân viên công ty trong khi những đại diện lãnh đạo có trách nhiệm thì vẫn “bặt vô âm tín”. Nhà đầu tư vẫn chưa thể nhìn thấy khe sáng nào tại dự án Hesco và xem ra con đường rút vốn tại Hesco vẫn còn đầy mịt mù.
Tất cả trả lời bằng đường công văn
Bày tỏ mong muốn được trao đổi với đại diện công ty, quản lý dự án nhân viên tại đây cho biết: “Các anh chị phụ trách hiện nay đều đang bận việc”. Sau những tranh cãi về việc có thể gặp hay không đại diện lãnh đạo công ty nhân viên khẳng định: “Nếu có gặp thì các chị cũng chỉ hẹn chị sẽ trả lời bằng đường công văn thôi chứ thực chất gặp cũng không thể giải quyết ngay được. Em phải nói thẳng là như thế. Nếu mà khách hàng muốn rút vốn thì cứ để đơn ở đây bọn em tiếp nhận và anh chị ấy sẽ trả lời bằng công văn”.
Đi cửa sau để được giao dịch với công ty Hạ Long nhưng liệu có cửa nào cho khách hàng tại dự án Hesco?
Rồi nữ nhân viên hạ giọng: “Anh chị muốn làm việc trực tiếp cũng được nhưng cái phương án bây giờ bên em chưa thể đưa ra được khác hàng vẫn phải chờ thôi”.
Lòng vòng với những lý lẽ “văn bản” khách hàng uể oải ra về. Nhìn lại căn nhà 4 tầng với cánh cửa chính đóng kín mít, tấm biển treo logo công ty Hạ Long “Sàn giao dịch Bất động sản” nhiều khách hàng không giấu nổi những băn khoăn lãnh đạo công ty giờ đang làm việc ở đâu? Điều gì khiến họ không thể xuất hiện đối thoại với khách hàng? Bao giờ khách hàng mới thôi phải nghe những lời “chuyển – phát”? Và với Hesco thì vẫn còn đó nỗi lo đau đáu: “Bắc thang lên hỏi ông trời. Bao giờ Văn Quán mới thành chung cư?”.
Số tiền hàng trăm tỉ khách hàng đã đóng vào để góp vốn đã được công ty Hạ Long sử dụng vào mục đích gì, biến mất đi đâu? Vland sẽ tiếp tục tìm hiểu để cung cấp cho bạn đọc