06/05/2014 8:23 AM
CafeLand - Mặc dù phía Bộ xây dựng đã đưa ra nhiều lí do để lập luận cho quyết định dừng cấp giấy phép dự án mới là cần thiết, phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này và nó chưa thực sự thuyết phục được dư luận.

Vì sao phải "đe nẹt" dự án mới?

Mới đây, tại phiêp họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tổ chức vào ngày 18/4, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam một mặt đánh giá thị trường đang có tín hiệu tích cực về thanh khoản, giá cả nhưng mặt khác ông cũng cho biết tồn kho vẫn còn lớn.

Theo Bộ Xây dựng, trong tổng số 4.000 dự án trên phạm vi cả nước thì có tới 2.800 dự án dang dở. Tổng giá trị tồn kho bất động sản hiện còn gần 92.700 tỷ đồng. Trong đó, chung cư tồn khoảng 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng. Tồn kho đất nền nhà ở khoảng hơn 9 triệu m2, tương đương 33.880 tỷ đồng. Do đó, “Để giải quyết lượng hàng tồn kho ứ đọng, Bộ Xây dựng đề nghị dừng cấp phép dự án mới”, ông Nam cho hay.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải thích, trong khi hàng tồn kho lớn, nhiệm vụ cấp bách là cần tập trung xử lý hàng tồn kho thông qua việc cơ cấu dự án đồng thời rà soát lại theo Chỉ thị 2196 của Thủ tướng về việc dừng, tạm dừng các dự án. Bộ trưởng cho rằng, việc cấp phép tràn lan các dự án vừa qua làm thị trường địa ốc lâm vào tình cảnh khó khăn. Thực tế nhiều dự án bất động sản có phép cũng chưa làm vì không có thị trường. Bởi vậy không nên cho cấp phép dự án mới.

Đồng tình quan điểm với Bộ trưởng Dũng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói nếu dồn sức cho công trình mới thì sẽ dẫn đến bất động sản tiếp tục tồn kho, kinh tế khó khăn. "Dự án mới xin triển khai, trình bày thì rất tốt, cuối cùng không bán được bỏ đấy lại điệp khúc xin lỗi. Dù nói việc chuẩn bị đã triển khai, tiền đầu tư trước giai đoạn chờ xin cấp phép đã nhiều lại bị dừng thì cũng đành chịu”, Phó thủ tướng thẳng thắn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là chỉ hạn chế cấp phép dự án mới chứ không cấm tuyệt đối “Chúng ta chỉ kiểm soát thôi chứ không cấm, nếu cấm sẽ cứng đơ hết, rất nguy hiểm”.

Như vậy, có thể thấy việc dừng cấp phép dự án mới đã được quyết, lí do, mục đích dừng cũng đã rõ mười mươi. Song, những ngày qua phía người đưa ra quyết định này chắc hẳn tai không xuôi khi có không ít lời bàn ra tán vào của dư luận trước thông tin này.

Người hoài nghi, kẻ thắc mắc

Trước thực trạng tồn kho thị trường bất động sản còn lớn thì việc nỗ lực đi tìm "thuốc" và "kê thang" mới để chữa trị của Bộ xây dựng là việc làm đúng đắn. Nó cho thấy tinh thần trách nhiệm của những người đứng đầu ngành. Tuy vậy, liệu "thang thuốc" mới kê này có mang lại hiệu quả gỡ khó cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung? Hay nó làm tăng thêm sự hoài nghi và thêm nhiều dấu hỏi của dư luận?

TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng đó là “Kiến nghị thiếu tư duy thị trường”. Ông giải thích thị trường vận hành theo quan hệ cung – cầu, chứ không phải cho phép hay không cho phép. Nếu có “cầu” thì sẽ có “cung”, nếu không có “cầu” mà anh cho phép xây thì cũng chẳng ai “cung”, hoặc “cung” thừa, lại “ế” như bây giờ. Không có lý do gì để ngừng cấp phép các dự án mới, không thể cấm sản xuất “xăng đan” khi đang thừa “ủng”. Vì thế, kiến nghị này rất vô lý.

Ở góc độ khác, Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đặt ra câu hỏi: Nếu ngừng cấp phép trong năm nay thì thời gian tới lại khan hiếm nguồn cung, lại xảy ra sốt nóng thì sao? Ông đực cũng nghi ngờ ngừng cấp phép phải chăng mục đích của Bộ Xây dựng chỉ là để giải quyết hàng tồn kho, giải quyết lợi ích nhóm cho những đơn vị có hàng tồn kho?

Gần đây nhất, trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" phát trên sóng truyền hình ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ xây dựng đã vấp phải câu hỏi của người dân là tại sao thị trường đã ấm dần lên sao phải dừng cấp phép đầu tư mới đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án xây dựng khu đô thị mới?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã trả lời và nhấn mạnh “Việc tạm dừng cấp phép dự án mới cũng chỉ trong năm 2014. Ngoài ra, những dự án đặc biệt, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì vẫn được cấp phép triển khai. Hết năm 2014, nếu tình hình thị trường có những diễn biến thay đổi thì chúng ta sẽ có những giải pháp cụ thể hơn.” ​

Dù đã đưa ra nhiều dẫn chứng để giải thích và chứng minh và nói "hết cái hết nước" nhưng dường như phản biện là điều không bao giờ có giới hạn và chấm dứt khi tiếp tục có ý kiến hỏi vặn lại. Nếu chỉ dừng cấp phép dự án mới trong một năm 2014 thôi thì liệu có "làm nên cơm cháo" gì không với lượng tồn kho còn chất cao hơn núi?

Các chuyên gia do rằng Nhà nước nên tập trung quản lý thị trường bất động sản tốt hơn bằng cách quy hoạch chặt chẽ, nâng cao chất lượng dự án đồng bộ với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội… để thị trường phát triển đúng hướng, phù hợp với nhu cầu là điều tốt nhất mà các cơ quan nhà nước nên làm hiện nay thay vì chỉ nhăm nhe vào việc sử dụng các biện pháp hành chính.

Ngọc Thịnh (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.