03/12/2020 8:30 PM
Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển các dự án ở Việt Nam rất lớn, hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) được coi là giải pháp sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế sau nhiều năm triển khai các dự án BT đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến dư luận hoài nghi về việc có hay không lợi ích nhóm?


Nhiều dự án thực hiện theo phương thức BT đang cho thấy các hệ lụy khiến dư luận quan ngại.

Hàng loạt bất cập tại các dự án BT

Trước đó, trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 29 dự án BT tại các địa phương và phát hiện nhiều vi phạm.

Cụ thể, theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án; các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư như Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước sang PPP và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định…

Cũng thông qua kết quả kiểm toán 29 dự án BT, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý 5.228 tỷ đồng, trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 1.262 tỷ đồng; xử lý khác 1.355,3 tỷ đồng; thu hồi nộp ngân sách Nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 552,3 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.246,4 tỷ đồng.

Ngoài những nội dung cụ thể đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong 29 dự án như đã nêu, trên thực tế nhiều dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BT vẫn tồn tại hàng loạt bất cập, trong đó phải kể đến việc chậm tiến độ và thất thoát. Nhiều dự án xảy ra tình trạng đất đối ứng đã được xây dựng, rao bán nhưng tiến độ công trình hạ tầng được giao lại vô cùng chậm…

Đáng nói, một nội dung đang nhận được sự quan tâm vô cùng lớn của dư luận trong thời gian vừa qua đó là hiện trạng các dự án thực hiện theo phương thức BT thường bị “thổi” giá, xác định tổng mức đầu tư không đúng với thực tế, khiến diện tích đất đối ứng phải chi trả cho nhà đầu tư quá lớn, trong khi phần dự án công trình thực hiện lại không tương xứng. Cụ thể tại Hà Nội, Dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh, quận Long Biên, sau kiểm toán đã giảm 69 tỷ đồng so với dự toán, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm tới 754 tỷ đồng; Còn dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A giảm tới 251 tỷ đồng.

Hay tình trạng đường BT thông xe xong nhưng thiết kế thiếu đồng bộ, thiếu kết nối với hạ tầng xung quanh đang diễn ra tại Hà Nội với các dự án Ngã Tư Sở - Vĩnh Tuy; Lê Văn Lương - Tố Hữu; Nguyễn Hữu Thọ - Xuân Phương; trục giao thông phía Nam (Xa La đi Vân Đình); đường Ngọc Thụy - Thượng Thanh (Long Biên)…

Các dự án giao thông đang phát sinh tình trạng ùn tắc do triển khai thiếu đồng bộ, thiếu kết nối.

Sau hơn 10 năm chờ đợi, đầu tháng 11 vừa qua, dự án mở rộng, hoàn thiện đường Vành đai 2 đoạn đi trên đường Trường Chinh được thông xe. Với mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (tiền ngân sách) cho mở rộng lòng đường bên dưới và 9.400 đồng (đầu tư bằng hình thức BT) cho đoạn đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Vĩnh Tuy, ngày 9/11 đường Trường Chinh đã kết thúc 14 năm thi công với sự kiện thông xe đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Việc tuyến đường Trường Chinh được hoàn thành mở rộng đã giúp cho giao thông tại đây thông suốt cả tuyến.

Tuy nhiên, cũng kể từ thời điểm này, nút giao Ngã Tư Sở trở lại với tên gọi vui “ngã tư khổ” trước đây. Dòng ô tô từ đường trên cao được lưu thoát nhanh, đổ dồn trực tiếp xuống hai nút giao Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng, gây ùn tắc kéo dài cho cả 2 nút giao này. Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, nếu thiết kế đường BT Vành đai 2 trên cao vượt nút Ngã Tư Sở, sau đó mới tiếp đất thì vừa phát huy hiệu quả đầu tư dự án vừa tránh được ùn tắc kéo dài cho nút Ngã Tư Sở.

Tương tự, sau hơn 7 năm thi công 2,5 km đường và phải điều chỉnh mức đầu tư, dự án đường BT Nguyễn Xiển - Xa La đã được nhà đầu tư thông xe vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, do dự án đưa vào sử dụng khi hạng mục cầu vượt nút giao đường 70 (Xa La, Hà Đông) chưa xong, dẫn đến đường BT Nguyễn Xiển - Xa La cả tuyến rộng 8 làn xe nhưng khi chạy đến nút giao với đường 70 bị thắt cổ chai còn 2 làn. Từ thời điểm thông xe tuyến đường này, bức tranh giao thông thành phố Hà Nội ghi nhận thêm một “điểm đen” ùn tắc tại đường 70 đoạn trước Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài tuy được làm mới, nhưng do thiết kế mặt đường và mặt cắt ngang hẹp chỉ 3 làn xe/chiều (trong khi các tuyến đường hướng tâm khác thi công đã lâu như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng rộng 4 đến 6 làn xe/chiều) nên khi vừa thông xe vào năm 2010, tuyến đường này đã thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đến nay khi tuyến đường này phải bố trí 1 làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh - BRT, tình trạng ùn tắc lại trầm trọng hơn. Hiện tại, tuyến đường Lê Văn Lương đang được đánh giá là đường ùn tắc nhất Hà Nội.

Cần nhanh chóng giải quyết tồn đọng

Có thể thấy, sau hơn 20 năm hình thức đầu tư dự án BT được áp dụng tại Việt Nam, qua kết quả rà soát của Kiểm toán Nhà nước, rất nhiều dự án bộc lộ những bất cập.

Để giải quyết tình trạng này, từ ngày 01/01/2021 sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) được thực hiện, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù bị “khai tử”, nhưng số phận dự án BT tồn đọng trước đó vẫn phải giải quyết và càng phải được đẩy nhanh tốc độ xử lý, nhất là trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, tránh để lợi ích chỉ rơi vào một nhóm.

Chuyên gia nhìn nhận, công thức của BT là “đổi đất lấy hạ tầng” nhưng thực tế không có “cuộc đổi chác” nào là ngang giá. Vấn đề định giá ở dự án BT Nhà nước đang thiệt cả hai đầu, còn chủ đầu tư thì lợi cả đôi đường.

Thông qua kiểm toán mới thấy rằng, hầu như tất cả dự án đều bị đẩy giá lên nhiều lần so với giá trị thực. Còn giá trị đất đối ứng thì đa phần là không theo đấu giá, không định giá được theo giá trị thực tế trên thị trường, đặc biệt là khi mảnh đất đó ở vị trí “đắc địa”, dẫn tới việc những mảnh đất "vàng" bị rơi vào tay các chủ đầu tư.

Nhận định về thực trạng đang tồn tại, bất cập và hệ lụy xoay quanh câu chuyện các dự án thực hiện theo hình thức BT, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước khi thanh toán các dự án BT thì việc sử dụng tài sản công để thanh toán, khi thực hiện dự án BT phải theo nguyên tắc ngang giá, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường, quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; còn giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Cũng theo ông Hiếu, các cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch từ quá trình lập dự án, đấu thầu, thanh toán. Đặc biệt, cần giám sát quá trình triển khai để hạn chế tình trạng chậm tiến độ dự án BT nhưng lại "đòi" Nhà nước thanh toán đất đối ứng để thu lợi, cần thực hiện đấu thầu công khai nhằm tìm được nhà đầu tư có năng lực và triển khai nghiêm chỉnh, tránh đầu tư chỉ định sẽ dẫn đến trường hợp ưu tiên cho doanh nghiệp thân quen, dẫn tới tham nhũng, thất thoát nguồn lực đất đai.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
  • Cận cảnh cao ốc 'nhấn chìm' con đường BT Hà Nội

    Cận cảnh cao ốc 'nhấn chìm' con đường BT Hà Nội

    Ngoài ùn tắc kéo dài, đường Lê Văn Lương – Tố Hữu (Hà Nội) còn được đánh giá là tuyến đường có mật độ các tòa nhà cao tầng dày đặc nhất Thủ đô – trung bình 50 tòa/km. Nhưng chưa dừng lại ở đó, hiện vẫn rất nhiều tòa cao tầng khác đang tiếp tục được xây dựng.

Khánh An (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.