Ngày 9/8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến đến ngày 31/5/2013, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS là 237.509 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm cuối năm 2012. Tuy nhiên, theo báo cáo của 56/63 tỉnh thành, tồn kho BĐS giảm 15,4% so với quý I/2013.
Dư nợ và nợ xấu BĐS tăng nhưng tồn kho lại giảm?
Ngày 9/8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã báo cáo về tình hình BĐS và tồn kho BĐS tính hết tháng 6/2013.
Theo đó, dựa trên báo cáo của 56/63 tỉnh thành, Thứ trưởng Nam cho biết, tổng giá trị tồn kho BĐS khoảng 108.773 tỷ đồng, giảm 15,4% so với quý 1/2013.
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 27.805 căn, tương đương 41.542 tỷ đồng, chiếm 38,19%.
Tồn kho nhà thấp tầng là 15.007 căn, tương đương 27.445 tỷ đồng, chiếm 25,23%; tồn kho đất nền nhà ở 9.937.385m2, tương đương 33.951 tỷ đồng; đất nền thương mại khác 2.016.915m2, tương đương 5.835 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2013, tổng tồn kho là 9.651 căn hộ/nhà ở, tương đương 17.060 tỷ đồng.
Tại TP. HCM, tính hết tháng 6/2013, tổng giá trị tồn kho khoảng 26.698 tỷ đồng, giảm 1.877 căn so với thời điểm tháng 12/2012.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tồn kho BĐS đã giảm 15,4%
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tồn kho BĐS đã giảm 15,4%

Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo báo cáo của NHNN thì tính đến 31/5/2013, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS là 237.509 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2012.

Trong đó, vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 14.966 tỷ đồng, tăng 0,1% so với thời điểm 31/12/2012; vay xây dựng khu đô thị là 46.680 tỷ đồng, tăng 8,3%; vay sửa chữa, mua nhà để ở, cho thuê 55.841 tỷ đồng tăng 4,5%; vay mua quyền sử dụng đất 14.081 tỷ đồng, tăng 8%; vay đầu tư kinh doanh bất động sản khác 33.264 tỷ đồng, giảm 7,7%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản là 6,53%, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2013 là 5,39%.
Giải thích về việc tổng dư nợ tín dụng và nợ xấu đều tăng nhưng tồn kho BĐS lại giảm, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Nếu so sánh với lượng tồn kho của tháng 6/2013 nêu trên với quý I/2013 thì không tăng, nhưng so với lượng tồn kho tháng 12/2012 thì trên địa bàn Hà Nội có tăng 3.862 căn do mới có báo cáo bổ sung".
Cũng theo Thứ trưởng Nam, với việc tổng giá trị hàng tồn kho giảm so với quý I/2013 đã chứng tỏ thị trường BĐS có tín hiệu khởi sắc, niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục. Việc triển khai gói 30.000 tỷ và tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội đã được người dân quan tâm, có nhiều giao dịch thành công hơn trước.
Thị trường hồi phục là không đúng thực chất của vấn đề?
Theo các số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng có thể thấy, thị trường BĐS Việt Nam đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi khi tổng giá trị tồn kho BĐS đã giảm đến 15,4% so với quý I/2013.
Tuy nhiên, trong một lần chia sẻ mới đây với Báo Đất Việt ngày 24/7, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM lại đưa ra nhận định, với việc giải ngân gói 30.000 tỷ chậm chạp như hiện nay thì tín hiệu phục hồi của thị trường BĐS là gần như không có, thậm chí nếu cho rằng có triển vọng phục hồi là không đúng thực chất của vấn đề.
"Lúc này, người ta nói thị trường hồi phục, triển vọng hồi phục là không đúng thực chất của vấn đề. Nền kinh tế chưa bao giờ khó khăn như những năm vừa qua cho đến năm 2013 này. Triển vọng hồi phục chỉ có được nếu như các cơ quan, ban ngành triển khai nhanh gói tín dụng này. Nếu như các ban ngành có được sự minh bạch, công khai, và đúng đối tượng, đúng mục tiêu, chứ cứ làm chệch hướng như hiện nay là rất nguy hiểm. Rút cuộc sẽ chỉ có một số DN có lợi, sẽ không công bằng, không minh bạch" - Ông Châu nói.
Thị trường hồi phục là không đúng thực chất của vấn đề?
Thị trường hồi phục là không đúng thực chất của vấn đề?

Cũng nhận định về thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, thị trường BĐS vẫn còn đang rất khó khăn, và với việc một số ông chủ BĐS bị bắt hoặc bỏ trốn đã cho thấy, hiệu ứng BĐS đổ vỡ mới chỉ bắt đầu.

"Nguy cơ đổ vỡ cực kỳ của các DN BĐS lớn là đã có. Rất nhiều DN không thể hoàn thiện được công trình, thậm chí nhiều chủ đầu tư đã bỏ chạy, hoặc là họ bán, sang nhượng cho nhiều chủ đầu tư khác...
Cội nguồn của nguy cơ hàng loạt DN BĐS đổ vỡ chính là vì sản phẩm không bán được, dẫn đến tìn trạng đóng băng và đưa đến tồn kho một lượng lớn BĐS.
Đau xót khi thấy một thế hệ doanh nhân non trẻ đầy nhiệt huyết, tạo dựng được tài sản, góp phần vận hành đất nước trong một thời gian dài bỗng chốc sụp đổ. Bạn bè có người phải trốn tránh, tù đày…
Liệu khối doanh nhân có tồn tại nổi hay không? Nếu tài sản cứ từ từ ra đi, một ngày cũng tới phiên mình, phải buông tay khi đã trải qua chinh chiến dài ngày, chấp nhận bán mình vì sức tàn lực kiệt, không cạnh tranh nổi với những tài phiệt mới.
Mỗi người một cảnh, nhiều đại gia BĐS khá tên tuổi cũng đi vào chung cư ở, mà thực chất không biết căn hộ ấy có phải của ông ta không nữa. Như thế còn hơn phải lừa đảo, phạm pháp.
Nhưng không phải lúc nào tài sản cũng bán được, dự án bồi thường dở dang, xây dựng dở dang bán không ai mua, lúc ấy thì điên đầu. Trong hội thảo “Gặp bão và vượt bão”, tôi đã đưa ra kế sách “Tẩu thế nào để tránh tổn hại” - ông Đực tâm sự.
Duyên Duyên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.