06/02/2012 12:41 AM
IMF và WB hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, tuy một số nền kinh tế lớn có những dấu hiệu khả quan.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều cho rằng năm 2012 có thể là một năm rất tồi tệ với các nền kinh tế thế giới. Ngân hàng Thế giới đã hạ mức dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm 2012 từ 3,6% xuống còn 2,5%. WB cũng cho biết châu Á sẽ không còn “miễn dịch” trước suy thoái nữa.

Khủng hoảng Eurozone vẫn đè nặng lên kinh tế thế giới

Cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn là tâm điểm quan tâm trong các dự báo kinh tế năm 2012. Cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu sẽ tiếp tục đặt nền kinh tế toàn cầu bên bờ vực đổ vỡ trong suốt năm 2012. Eurozone đối mặt với một loạt các cú sốc giữa tháng 1/2012, trong đó có việc hạ mức xếp hạng tín dụng của Pháp. Có quan điểm cho rằng hiện chưa có đủ cơ sở để tin rằng sẽ nhanh chóng có một giải pháp; nguy cơ sụp đổ của Eurozone vẫn là một khả năng có thực và là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đa số các trung tâm dự báo kinh tế cho rằng Eurozone vẫn tồn tại.

Thắt chặt tài khóa sẽ là một nguyên nhân làm sụt giảm mức tăng trưởng và điều này sẽ được thấy ở các nước thuộc khu vực ngoại biên như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ailen, Tây Ban Nha, Italia...

Sự hồi phục của các nền kinh tế Tây Âu đang bị mất động lực. Tăng trưởng tại nhiều quốc gia trong khu vực đã chậm lại kể từ quý I/2011. Xuất khẩu và sản lượng công nghiệp vẫn có mức tăng trưởng nhưng ở tốc độ chậm hơn. Tác động của một sự xáo động toàn cầu mới sẽ ít có mức tác động khắc nghiệt hơn so với giai đoạn 2009 bởi phần lớn các nước đã giảm đáng kể tình trạng bất cân bằng thương mại. Tuy nhiên, những khó khăn tại Eurozone, thị trường xuất khẩu chính của các nền kinh tế Tây Âu, đối mặt với triển vọng u ám trong năm 2012, do đó sẽ hãm mạnh các hoạt động kinh tế tại Tây Âu.

Kinh tế Đức - một điểm sáng đặc biệt

Trong bối cảnh kinh tế nhiều nước Liên minh châu Âu hết sức ảm đạm, thì nền kinh tế Đức là một điểm sáng đặc biệt. Nghiên cứu hàng năm do Viện Allensbach (Đức) công bố cho thấy, 49% người Đức lạc quan về viễn cảnh đất nước trong năm 2012. Tuy nhiên, 2012 cũng là năm có nhiều thách thức kinh tế và chính trị lớn.

Dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn
Nền kinh tế xanh của Đức đang phát huy hiệu quả

Trong năm 2012 mức tăng trưởng kinh tế của Đức sẽ giảm đi rất nhiều. Các con số dự đoán từ phía chính phủ cũng như của nhiều viện nghiên cứu kinh tế độc lập ở Đức đã cho biết chỉ còn từ 0,5% tới 1%.

Nền kinh tế Đức đặt trọng tâm vào xuất khẩu, trong đó các thị trường chính là EU (60%), Mỹ (10%) và Trung Quốc (6%), sẽ chịu nhiều áp lực lớn. Đặc biệt là hai khách hàng lớn nhất của Đức là EU lại đang có nhiều nguy cơ, hoặc Mỹ chưa có khả năng phục hồi.

Thách thức lớn nhất mà Đức phải đối phó trong năm nay là tương lai của đồng euro sẽ ra sao. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong Thông điệp đầu năm tin rằng rồi cuối cùng đồng euro sẽ thoát khỏi khủng hoảng, nhưng cũng cảnh báo trong năm 2012 còn có những khó khăn rất lớn, thậm chí có thể có những lúc còn diễn ra nguy ngập mới, trong đó cả Đức lẫn EU cần phải tỉnh táo để cùng nhau giải quyết.

Về chính trị, chính phủ liên minh hiện nay gồm ba chính đảng là Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Đảng liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đang gặp rất nhiều khó khăn lớn. Sau thất bại trong nhiều cuộc bầu cử Quốc hội ở nhiều tiểu bang trong năm qua, các đảng cầm quyền đã không còn chiếm được đa số trong Thượng viện nữa. Do đó có nhiều dự luật quan trọng, nhất là về kinh tế và tài chính, có thể không được thông qua.

Kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo

Kinh tế Mỹ đã thể hiện khá kiên cường trước cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Eurozone và có nhiều tín hiệu khả quan.

Những dấu hiệu phát triển lạc quan hơn của nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục được công bố trong ngày 3/2 đã trở thành động lực thúc đẩy các nhà đầu tư đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán, khiến cho giá các cổ phiếu chủ lực của Mỹ trong ngày tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, tháng 1/2012 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được tổng cộng 243.000 việc làm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 155.000 việc làm của nhiều chuyên gia. Số lượng việc làm nhiều hơn này được tạo ra đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong công nhân Mỹ trong tháng giảm xuống chỉ còn 8,3% so với mức 8,6% trong tháng 12 và 9% của cả năm 2011.

Các thông tin tích cực nói trên đã ngay lập tức tác động tới thị trường chứng khoán, đẩy giá các cổ phiếu chủ lực lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đến cuối phiên giao dịch ngày 3/2 tăng 157 điểm, tương 1,2%, lên 12.862 điểm. Đây là lần đầu tiên nhóm cổ phiếu của các tập đoàn công ty lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng hơn 150 điểm trong một ngày giao dịch kể từ hôm 3/1.

Kinh tế Nhật Bản thúc đẩy

Dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2011, như thảm họa động đất, sóng thần và xuất khẩu giảm, nhưng việc tái thiết quy mô lớn sau thảm họa động đất sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Nhật Bản trong những năm tới. Chi tiêu của chính phủ cũng sẽ giúp bù đắp cho sự thiếu hụt nhu cầu xuất khẩu và chi tiêu cá nhân trong thời gian tới. Tháng 11/2011, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách bổ sung 156 tỷ USD và nguồn tiền này dự kiến sẽ được đầu tư vào các dự án tái thiết, bắt đầu từ năm 2012. Trên cơ sở đó, EIU dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 2% trong năm 2012.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại nhưng không đáng báo động trong những tháng tới khi mà gói chi tiêu kích cầu kết thúc và việc thắt chặt chính sách góp phần làm giảm đầu tư bất động sản. Sự sụt giảm thêm trong tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc là rất có thể với thực tế các khó khăn của các nền kinh tế phương Tây hiện nay.


Dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn
Thượng Hải bắt đầu một ngày mới

Theo WB, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, từ mức 9,2% năm 2011 xuống còn 8,4% năm 2012, chủ yếu do xuất khẩu của nước này sang châu Âu bị giảm sút. Báo cáo của WB cảnh báo rằng sự sụt giảm của thương mại thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Trung Quốc. Kim ngạch xuất-nhập khẩu của Trung Quốc đều đang tuột dốc nhanh và đây là một tín hiệu tiêu cực. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phải nỗ lực kiểm soát bong bóng bất động sản bằng việc gia tăng lãi suất và áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ.

Chính phủ Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để ngăn ngừa tăng trưởng sụt giảm nhanh và mạnh, và cũng đã bắt đầu chuyển sang quan điểm ủng hộ tăng trưởng hơn. EIU nhận định lạm phát sẽ tiếp tục là mối quan ngại của Trung Quốc với dự báo lạm phát sẽ ở mức 3,5% trong năm 2012. Thách thức dài hạn của Trung Quốc là vấn đề nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư, chiếm mức cao chưa từng có, 45% trong GDP. Đối với các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, mức đầu tư lớn như vậy có thể tạo ra những tài sản không sinh lợi và lãng phí nếu tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, nếu đầu tư sụt giảm trước khi tiêu dùng tư nhân trở thành động lực tăng trưởng thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại đột ngột.

Kinh tế Nga vẫn phụ thuộc dầu khí

Triển vọng tăng trưởng của Nga sẽ tiếp tục phụ thuộc vào giá cả hàng hóa thế giới, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Mặc dù giá dầu mỏ quốc tế đang ở mức cao mang lại thuận lợi cho Nga nhưng đầu tư thì lại khá chậm chạp, do đó dự báo tăng trưởng của Nga năm tăng trưởng của Nga trong năm 2012 sẽ giảm xuống còn 3% do giá dầu mỏ giảm, dù việc chi tiêu cho năm bầu cử cũng mang lại một số động lực cho tăng trưởng. Với các thách thức về cấu trúc, tăng trưởng của Nga sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với trước khi suy thoái toàn cầu trong trung hạn.

Xuất khẩu của Nga sang châu Âu chiếm 52% và nhập khẩu từ khu vực này chiếm 38% nhưng về kinh tế cũng đang phải tập trung nhiều vấn đề lớn về tài chính trong năm 2012. Trong 6 tháng cuối năm 2012, Nga sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thông tin cho rằng giá xăng dầu của Nga sẽ tăng mạnh trong năm 2012, do liên quan đến việc Nga phải chi phí lớn trong khâu đổi mới công nghệ nhằm cung cấp sản phẩm xăng dầu của mình đạt chuẩn quốc tế.

Việc trở thành thành viên của WTO có thể giúp Moscow trở thành trung tâm tài chính. Người Mỹ đã hứa sẽ bỏ điều luật Jackson Venik do Quốc hội Mỹ thông qua năm 1974 trong năm 2012.

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga trong tháng 3 tới đang là mối quan tâm hàng đầu. Ông Putin sẽ phải tìm cách khôi phục lòng tin của giới đầu tư nước ngoài rút vốn ào ạt khỏi thị trường Nga do các bấp bênh về chính trị.

Kinh tế Ấn Độ khá lạc quan

Theo một số dự báo, Ấn Độ sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong vài năm tới. EIU dự báo rằng Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 7,9% trong giai đoạn năm tài khóa 2011/2012 tới 2015/2016; và từ năm tài khóa 2014/2015 Ấn Độ sẽ có mức tăng trưởng vượt Trung Quốc. Trong ngắn hạn, khi nền kinh tế toàn cầu ì ạch, Ấn Độ sẽ không bị tác động nhiều do mức bộc lộ đối với xuất khẩu thấp. Trong trung hạn, điều kiện về nhân khẩu học thuận lợi sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Thông thường, các nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn khi tỷ lệ người phụ thuộc trên người lao động giảm, và điều này sẽ xảy ra ở Ấn Độ trong những năm tới. Trung Quốc đã được hưởng giai đoạn này và lực lượng lao động nước này sẽ giảm trong thời gian tới. Ngoài ra, nền tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cũng sẽ được hỗ trợ bằng tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao, cũng như sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, thách thức lớn của Ấn Độ là vấn đề lạm phát, và trận chiến với lạm phát sẽ đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế nước này trong năm 2012/2013.

Dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn
Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh phát triển kinh tế bằng những giải pháp khác nhau

Theo Cơ quan Thống kê trung ương của Ấn Độ, thu nhập bình quân đầu người tại nước này tính theo giá hiện hành trong năm tài khóa 2010-2011 đã đạt 53.331 Rupee, tăng 15,6% so với mức 46.117 Rupee của năm tài khóa trước. Đây là lần đầu tiên con số này vượt mốc 50.000 Rupee/năm, phần nào thể hiện được mức sống của người dân Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng có thể thuộc về nhóm những người giàu nhất nước này. Theo số liệu của Forbes năm 2011, Ấn Độ có 57 tỷ phú đôla. Tổng tài sản của 100 người giàu nhất Ấn Độ đạt 241 tỷ USD, tương đương 16% tổng GDP của nước này. Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mốc 2.000 tỷ USD trong năm tài khóa 2011-2012, gia nhập nhóm các cường quốc kinh tế gồm Mỹ, Nhật, Đức và các nước khác.

Theo Lưu Việt (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.