04/09/2015 7:46 AM
Đã 9 năm trôi qua, dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn với tổng vốn lên đến hơn 1.400 tỷ đồng nằm “đắp chiếu”, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây bị mất đất sản xuất, tình trạng thất nghiệp tràn lan, cuộc sống người dân bị đảo lộn, chưa tìm được lối thoát.

Dự án ‘khủng’ đắp chiếu

Cách đây 9 năm về trước, ở xã vùng cao Thúy Sơn (xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) rầm rộ, nhộn nhịp như phố thị, bởi nơi đây đón nhận được dự án xây dựng nhà máy xi măng hàng nghìn tỷ.

Nói về dự án “siêu khủng” này, người dân Thúy Sơn vui mừng lắm, vì khi nhà máy về con em họ sẽ có công ăn việc làm ổn định. Bởi lẽ đó, mà nhà nhà bàn giao đất cho các cấp chính quyền giải phóng mặt bằng. Công tác thu hồi đất diễn ra nhanh chóng.

Các hạng mục công tình của nhà máy xi măng Thanh Sơn bỏ hoang, xuống cấp.

Có mặt bằng, phía chủ đầu tư làm lễ khởi công hoành tráng vào tháng 12/2007. Hàng trăm xe ô tô các loại đổ về tham dự. Người dân Thúy Sơn phấn khởi bỏ cả công việc đồng áng để đến xem lễ khởi công.

Không chỉ riêng xã Thúy Sơn mà người dân khắp các xã trong huyện cũng hiếu kỳ đến xem làm cho lễ khởi công đông vui như một ngày hội. Rồi từ đó các con đường giao thông mọc lên, nhà điều hành, nhà công nhân được xây dựng…

Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, trên tổng diện tích gần 36ha đất (bao gồm đất sản xuất nông nghiệp và đất ở) của hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc 4 thôn: Thanh Sơn, Vân Sơn, Lương Sơn và Hồng Sơn của xã Thúy Sơn.

Dự án do Cty CP đầu tư và thương mại Thăng Long (Hà Nội) làm chủ đầu tư, công suất 2.500 tấn clinker/ngày, dự kiến nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010.

Theo kế hoạch, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp sản phẩm xi măng cho thị trường phía tây Thanh Hóa, Lào, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Điều đáng nói, chỉ sau 2 năm (2007 – 2009) kể từ khi triển khai thi công, dự án bỗng nhiên bị “treo” giữa chừng.

Khuôn viên nhà máy thành nơi thả bò

Theo ghi nhận của VietNamNet, tại hiện trường, chủ đầu tư chỉ mới thi công được một số hạng mục công trình như: tường rào, băng chuyền, nhà ở công nhân đã hư hỏng, xuống cấp, toàn bộ diện tích gần 36ha để hoang hóa.

Người dân địa phương thấy phí đã vào khai thác trồng ngô, trồng sắn. Còn khu nhà ở, ăn uống của công nhân họ tận dụng làm nơi nuôi nhốt trâu, bò… nhiều ô cửa kính đã bị đập phá, cửa ra vào, cửa sổ bị kẻ xấu tháo dỡ mang đi…

Bãi hoang nuôi… bò

Để tận dụng mảnh đất bị bỏ hoang, nhiều người dân đã đưa trâu bò vào khu vực nhà máy chăn thả. Hơn 10 dãy nhà từng được dự kiến là nơi ở của hàng ngàn công nhân giờ được một số người dân chuyển thành chuồng dê, lợn.

Ông Phạm Đình Hòa, thôn Vân Sơn cho biết, nhà ông có 4 khẩu với diện tích đất nông nghiệp gần 5 sào đã phải nhường hết cho nhà máy xi măng.

Bờ tường bị nứt, đổ đang được gia cố.

Ông bảo, tưởng rằng khi nhà máy đi vào hoạt động con cái ông cũng kiếm được suất làm công nhân trong đó. Nhưng giờ nhà máy “đắp chiếu”, đất sản xuất nông nghiệp lại không còn ông đành phải vay mượn mua đôi bò thả trong khu đất nhà máy.

Ông Hòa cho biết, hiện nay những hạng mục mà nhà máy đã xây dựng xuống cấp trầm trọng. Các khu nhà ở, nhà điều hành… đều được người dân tận dụng làm chuồng trâu, chuồng bò.

Không những thế, tường bao quanh nhà máy cao tới 5m đã bị xuống cấp, nghiêng ngả, nhiều chỗ đổ cả dãy gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn cho biết, hiện tại nhà máy xi măng bỏ hoang khiến cho cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn.

Vốn là xã thuần nông, người dân sống nhờ đồng ruộng, nhưng nay ruộng cũng đã hết người dân không biết làm gì để sống.

Ông Hùng cho biết đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng phải có biện pháp khắc phục hoặc thu hồi dự án

“Xã cũng chỉ biết kiến nghị lên các cấp xem xét làm sao cho nhà máy hoạt động trở lại, nếu chủ đầu tư không có khả năng làm nữa thì tỉnh cũng phải có biện pháp chuyển đổi hay thu hồi lại dự án để người dân còn có đất mà làm”, ông Hùng nói.

Về thực trạng nhà máy xuống cấp, ông Hùng cho biết, mấy năm nay năm nào ông cũng phải làm tờ trình báo cáo. Mới đây nhất là việc đề nghị xử lý tường rào nhà máy xi măng sập đổ làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Cụ thể, tường rào đã bị sụp đổ xuống mương tưới tiêu trên cánh đồng 3 thôn (Vân Sơn, Hồng Sơn, Ngọc Sơn), toàn bộ gạch, cát, xi măng lấp ruộng gây ảnh hưởng tới tính mạng và tưới tiêu của người dân.

“Chúng tôi đã đề nghị với Cty xi măng Thanh Sơn phải có biện pháp khắc phục kịp thời mương, xử lý tường rào đang nứt, lún, có nguy cơ sụt đổ bất cứ lúc nào xuống khu vực dân cư và đồng ruộng đe dọa tính mạng người dân và ruộng canh tác”, ông Hùng cho biết.

Lê Dương (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.