Sau 15 năm đóng tiền cho Công ty cổ phần Địa ốc An Phú - Mộc Bài để mua đất nền tại Dự án Khu nhà ở thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), hàng chục khách hàng vẫn đang tiếp tục đi đòi đất và nhận lại… lời hẹn.
Sau 15 năm, nền đất mà ông Tâm mua tại Dự án Khu nhà ở thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn chỉ là bãi đất nuôi cỏ.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Tân Sửu, nhưng hàng chục khách hàng mua đất tại Dự án Khu nhà ở thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) do Công ty An Phú - Mộc Bài làm chủ đầu tư vẫn phải bắt xe khách từ TP.HCM lên tỉnh Tây Ninh để… đòi đất. Điều đáng nói là, hành trình này của họ đã kéo dài suốt 15 năm liền.
9h30 sáng, thời tiết ở Tây Ninh không “chiều lòng người”. Trời nắng khá gắt, nhưng dường như nhiệt độ ở ngoài trời không “nóng” bằng không khí trong căn phòng chật hẹp gần hai chục mét vuông - nơi hơn 40 khách hàng đang đối thoại với đại diện chủ đầu tư Dự án.
“Dài cổ” chờ giao nền
Cầm trên tay tập hồ sơ dày cộm, ông Triệu Văn Tâm (ngụ tại quận quận 8, TP.HCM) cho biết, năm 2005, ông ký hợp đồng “cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có điều kiện” với Công ty An Phú - Mộc Bài để mua lô đất biệt thự hơn 200 m2 và đã thanh toán 70% giá trị hợp đồng.
Các thủ tục mua bán được giao dịch tại trụ sở Công ty An Phú - Mộc Bài trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM). Tại đây, nhân viên bán hàng nói rằng, Dự án Khu nhà ở là dự án kiểu mẫu thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, đồng thời trưng ra hồ sơ pháp lý gồm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; Quyết định số 491/QĐ-CT ngày 15/11/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho phép chủ đầu tư thực hiện Dự án.
Xem thêm thị trường bđs Tây Ninh
“Tôi đã đóng tiền nhiều đợt theo quy định của hợp đồng, nhưng Dự án thi công rất chậm, không có dấu hiệu bàn giao. Sau khi Dự án ngừng thi công, tôi không thể liên lạc với người có thẩm quyền của Công ty An Phú - Mộc Bài để nắm tình hình. Trụ sở công ty này cũng liên tục thay đổi địa điểm, từ đường Trần Quốc Thảo (quận 3) chuyển đến Trần Não (quận 2), rồi văn phòng đặt tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Nhưng cả 3 địa chỉ này hiện đã đóng cửa, ngưng hoạt động”, ông Tâm bức xúc nói.
Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Cẩm Vân (ngụ ở quận 8, TP.HCM) cho hay, hơn 15 năm trước, trong quá trình đi lại làm ăn tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, thấy Dự án có vị trí thuận lợi, bà đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng nền đất với An Phú - Mộc Bài. Tổng cộng qua các đợt, bà đã thanh toán 95% giá trịnền đất. Theo hợp đồng, thời gian nhận bàn giao nền vào năm 2007, nhưng đến giờ, nền đất vẫn nằm…trên giấy.
Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự ông Tâm, bà Vân, thậm chí, có người ký hợp đồng nhận chuyển nhượng tới 10 lô đất, rồi “dài cổ” chờ giao nền. Họ gửi rất nhiều đơn khiếu nại, nhưng chủ đầu tư, khi thì biện hộ do những lý do khách quan, khi thì tìm cách lẩn tránh…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về các giao dịch mua bán đất nền tại Dự án Khu nhà ở thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), luật sư Nguyễn Trung Tưởng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, Công ty An Phú - Mộc Bài ký hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có điều kiện với khách hàng. Tại thời điểm ký các hợp đồng này, Công ty An Phú - Mộc Bài chưa đủ điều kiện pháp lý để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đây là một hình thức lách luật để huy động vốn nhằm thực hiện Dự án và nếu có rủi ro xảy ra, thì phần thiệt hại sẽ thuộc về phía người mua đất.
“Đại diện Công ty An Phú - Mộc Bài đổ lỗi cho cơ quan nhà nước là biện pháp đánh lận con đen nhằm phủi bỏ trách nhiệm với những khách hàng đã mua đất”, ông Tưởng nói và nhấn mạnh, việc này phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Tây Ninh để làm rõ và xử lý dứt điểm.
Dự án nhà ở biến thành… phân lô, bán nền
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hàng trăm khách hàng (đa số trú tại TP.HCM) đã ký hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có điều kiện với Công ty An Phú - Mộc Bài để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Khu nhà ở thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Các hợp đồng này phần lớn được ký vào năm 2005, 2006; người đại diện Công ty An Phú - Mộc Bài ký hợp đồng với khách hàng là ông Lưu Vinh Quang, đại diện pháp luật, Tổng giám đốc Công ty. Sau khi ký kết, đa số khách hàng đã thanh toán khoảng 70 - 95% giá trị hợp đồng.
Sở dĩ các hợp đồng này được gọi là “hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có điều kiện”, vì thời điểm đó, Công ty An Phú - Mộc Bài hoàn toàn chưa triển khai thực hiện Dự án. Theo Quyết định số 491/QĐ-CT, ngày 15/11/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, thì mục đích giao đất cho Công ty An Phú - Mộc Bài là để đầu tư và xây dựng nhà ở tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, nhưng công ty này lại tiến hành phân lô, bán nền.
Khách hàng phản ánh, trong quá trình thực hiện, Công ty An Phú - Mộc Bài đã nhiều lần vi phạm các thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng, không thực hiện những cam kết, lời hứa trong các công văn, văn bản gửi cho khách hàng.
Đơn cử, tại Công văn số 15/CV-APC-10, ngày 28/8/2010 do ông Lưu Vinh Quang ký, Công ty An Phú - Mộc Bài cam kết: “Bắt đầu từ ngày 10/11/2010, Công ty sẽ thông tin hàng tháng về tình hình đầu tư xây dựng dự án đến khách hàng”.
Tuy nhiên, trong suốt hơn 10 năm, cho đến nay, khách hàng không nhận được bất kỳ thông tin nào từ Công ty An Phú - Mộc Bài về việc thực hiện cam kết nêu trên. Điều đáng nói, trong một khoảng thời gian rất dài, chủ đầu tư này lẩn tránh, khiến nhiều khách hàng rất hoang mang. Ban đầu, khách hàng còn nhận được một số phản hồi từ Công ty An Phú - Mộc Bài, nhưng sau đó, phản hồi thưa dần, lãnh đạo Công ty liên tục thay đổi, lúc liên lạc được, lúc không, rồi… “mất hút”.
“Khi Dự án ngừng thi công, tôi đã nhiều lần liên lạc với Công ty An Phú - Mộc Bài, tìm đến trụ sở Công ty cổ phần Địa ốc An Phú (công ty mẹ của An Phú - Mộc Bài) tại số 280E1, 280E2, 280E3 Lương Định Của (phường An Phú, quận 2, TP.HCM), nhưng đơn vị này cho biết đã rút hết vốn, không còn liên quan đến Công ty An Phú - Mộc Bài. Chúng tôi đến trụ sở Công ty An Phú - Mộc Bài theo địa chỉ ghi trên hợp đồng (ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), nhưng tại đây chỉ có một công trình bỏ hoang”, ông Tâm ngao ngán nói.
“Công ty không còn tiền để thanh lý hợp đồng”
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, liên hệ, những khách hàng nói trên cũng đã gặp được ông Lưu Vinh Quang, nhưng ở thời điểm hiện tại, ông Quang không còn là đại diện pháp luật của Công ty An Phú - Mộc Bài, chức vụ Tổng giám đốc cũng đã chuyển giao cho một người khác. Tuy vậy, ông Quang vẫn cho biết, hiện ông là “người điều hành dự án này (Dự án Khu nhà ở thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - PV)” và “có thẩm quyền giải quyết toàn bộ thắc mắc của khách hàng”.
Về lý do Dự án chậm tiến độ, ông Quang giải thích: “Dự án đã hoàn thiện tất cả pháp lý, đã san lấp và hoàn thiện 70% đường, chỉ có duy nhất vấn đề về thuế (tiền sử dụng đất - PV) là kéo dài mười mấy năm nay, chưa giải quyết xong, chưa nộp đủ, do vậy, Nhà nước không cấp sổ đỏ”.
“Ngày trước, tiền sử dụng đất chỉ 215.000 đồng/m2, nhưng về sau, quy định mới là 1.050.000 đồng/m2. Do vậy, Công ty không chịu”, ông Quang cho biết.
Về việc bàn giao đất, theo ông Quang, do kéo dài, khách hàng không nhận nền, nên “chúng tôi đã bị mất cắp nhiều tài sản như ống cống, sắt thép...”. Thậm chí, ông Quang còn nhấn mạnh rằng, Công ty An Phú - Mộc Bài sẵn sàng bàn giao để đỡ mất công phải “canh đất”. “Khi Công ty giao nền cho các anh chị, có nghĩa là bản thân các anh chị phải chịu trách nhiệm về quản lý quyền sử dụng trên ranh (ranh giới - PV) đó của mình, mai mốt bị lấn chiếm, thì Công ty không có trách nhiệm giải quyết”, ông Quang nói.
“Người điều hành dự án” này còn khẳng định, các hợp đồng đã ký kết với khách hàng vẫn còn hiệu lực, chỉ là Dự án chưa có sổ đỏ. Với những trường hợp muốn thanh lý hợp đồng, Công ty vẫn giải quyết nhưng “không có tiền để thanh lý hợp đồng”.
Sau khi nghe ông Quang giải thích, một khách hàng thắc mắc: “Tôi muốn nhận lại lô đất và muốn bàn giao, nhưng trên thực tế, Công ty chưa đóng thuế, chưa có sổ đỏ, thì lấy tư cách gì để bàn giao lô đất đó cho tôi?”.
Ngay lập tức, ông Quang trả lời: “Hiện nay, Công ty đã hoàn thành xong công tác đền bù, như vậy, chúng tôi có quyền sử dụng. Nhưng quyền sở hữu được Nhà nước chứng nhận, thì Công ty vẫn chưa có, Công ty chưa có thì anh chị cũng tương tự... Nếu muốn đi tiếp, thì phải tiếp tục chờ với chúng tôi”. Nhưng, chờ đến bao giờ, thì chính ông Quang cũng… không biết.
Trong suốt buổi làm việc, khách hàng rất bức xúc và đặt nhiều câu hỏi, nhưng ông Quang không đưa ra được bất cứ văn bản nào. Kết thúc buổi làm việc, sau hàng loạt những câu hỏi được đặt ra, đại diện chủ đầu tư cũng đã giải đáp, nhưng đọng lại trong lòng hàng chục khách hàng vẫn là sự thắc thỏm.
Cuối tháng 1/2021, phóng viên Báo Đầu tư đã gửi câu hỏi qua đường công văn tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh và Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để làm rõ tính pháp lý của Dự án và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
-
Kỷ luật hàng chục cán bộ Kon Tum liên quan phân lô bán nền
Khi cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm hình sự thì ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã kỷ luật hàng chục cán bộ liên quan đến phân lô bán nền.
-
Động thái mới nhất về dự án sân bay ở Tây Ninh
Dự án sân bay Tây Ninh đang được đề xuất bổ sung vào quy hoạch mạng lưới sân bay toàn quốc. Vị trí dự kiến xây dựng sân bay này nằm cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 74km, cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 106km....
-
Quy định mới về tách thửa đất tại Tây Ninh từ 25/10/2024
Từ ngày 25/10/2024, các quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ được thực hiện theo Quyết định 49/2024/QĐ-UBND....
-
Đề xuất đường sắt nhẹ LRT đi thẳng từ TP.HCM đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài?
Tuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100km, kỳ vọng góp phần gỡ điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng tiềm năng....