Công nhân đang gấp rút hoàn thành cầu trục chính đi vào dự án Long Hưng I (ảnh chụp ngày 15.5.2012). Ảnh: C.T
“Tiền trao” mà “cháo chưa múc”
Dự án Long Hưng nằm trên xã Long Hưng, TP.Biên Hoà nguyên là vùng đất nhiễm mặn, quanh năm nước ngập. Năm 2007 DonaCoop đề xuất lập quy hoạch chuyển đổi 899ha vùng đất này thành một khu đô thị dịch vụ và thương mại và đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Ngay sau đó, DonaCoop đã thuê đơn vị tư vấn GHD (Australia) lập quy hoạch khu đô thị - dịch vụ - thương mại Long Hưng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đồng bộ và hiện đại. Đầu năm 2008, dự án được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư.
DonaCoop đã cùng ban ngành của tỉnh, TP.Biên Hoà, UBND xã Long Hưng thỏa thuận bồi thường đất của người dân địa phương. Ngoài tiền bồi thường theo quy định, DonaCoop còn bổ sung nhiều giải pháp hỗ trợ cho các hộ dân trong diện giải toả: Đầu tư khu tạm trú cho dân trong vòng 2 năm với đầy đủ điện nước, mỗi hộ được nhận thêm 20 triệu đồng; dành 97ha đất làm khu tái định cư tại dự án, khi dự án hoàn thành những hộ chính bị giải toả sẽ được hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất, tiền đầu tư hạ tầng, nhận những người trong độ tuổi lao động vào làm việc tại dự án...
Chỉ sau một thời gian ngắn Donacoop thỏa thuận được trên 70% diện tích đất của dự án; còn hơn 20%, UBND các cấp đã vận động và ban hành quyết định thu hồi đất. Nhưng theo ông Bùi Thanh Trúc - Tổng Giám đốc DonaCoop, việc thu hồi diện tích đất này vẫn chưa được tiến hành dù DonaCoop đã đầu tư gần 6.000 tỉ đồng cho việc lập quy hoạch, đền bù, hỗ trợ đất với các hộ dân bị thu hồi đất; nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước... Đến nay, dự án chưa được triển khai đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ đầu tư.
Vướng do đầu cơ
Trả lời câu hỏi vì sao dự án chậm trễ giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Thành Ngọc - Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: “Ngay từ khi có chủ trương đầu tư dự án, DonaCoop đã cùng chính quyền xã họp với dân, hầu hết người dân trong xã ủng hộ ngay. Nhưng vướng lớn nhất là các đối tượng nơi khác về đây mua đất từ trước, nhằm đầu cơ kiếm lời. Họ chủ yếu là người có hộ khẩu tại TPHCM, Vũng Tàu... mua lại đất rồi bỏ đó cả hàng chục năm nay. Tất cả đã được chúng tôi thông báo nhiều lần, nhưng họ không chịu trả lại mặt bằng”. Được biết, những năm 2003 - 2005 người dân khắp nơi đổ về Long Hưng mua đất nông nghiệp của dân địa phương với giá rất thấp. Một số giao lại cho chủ cũ trồng cấy, còn hầu hết bỏ hoang.
Thống kê của UBND xã Long Hưng, hiện xã có trên 1.580 hộ dân, hầu hết đã chấp thuận nhận đền bù. Không lẽ, chỉ vì những người đầu cơ trục lợi mà chính quyền tỉnh Đồng Nai và TP.Biên Hòa bỏ mặc quyền lợi chính đáng được hưởng từ DA của người dân địa phương, bỏ mặc cho nhà đầu tư “thiệt đơn thiệt kép” do dự án chậm tiến độ?