Nhiều năm nay, “hỗn danh” Ngã Tư Khổ bỗng chốc bị quên lãng nhờ cây cầu vượt Ngã Tư Sở và hầm bộ hành tại đây phát huy tối đa hiệu quả giảm tắc đường. Cùng với những công trình hạ tầng giao thông liên tiếp ra đời như cầu vượt Thái Hà, ngã tư Vọng, Láng Hạ - Láng, cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm tại khu vực xoay quanh Ngã Tư Sở đã gần như không còn.
Đất vàng Ngã Tư Sở
Cuối tháng 6, thông tin chính thức về việc động thổ xây dựng Hầm chui Quốc lộ 6 đoạn Nguyễn Trãi đi Hà Đông càng làm nô nức những chủ sở hữu đất đai và nhà đầu tư nắm giữ các mảnh đất đẹp ở điểm hội tụ các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàng Mai.
Thực tế, chưa cần “nhờ” tới hầm chui Quốc lộ 6 đang rục rịch thi công, đất cát ở địa bàn tiệm cận ngã tư huyết mạch phía Đông Hà Nội đã “đắt xắt ra miếng” lâu nay. Điển hình là thổ cư tại các con phố sầm uất như Vương Thừa Vũ, Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Tô Vĩnh Diện, Cự Lộc hay Giáp Nhất (mới đây) đã nghễu nghện ở mức 80 - 100 triệu đồng/m2 (tùy vị trí và diện tích, hình dáng thửa đất). Một căn nhà 2 tầng 40m2 trong ngõ 2 xe taxi tránh nhau, trên đường Tô Vĩnh Diện, thời điểm đầu 2012 đã được gia chủ quát 83 triệu đồng/m2. Và mới đây, người chủ nhà này đã bán thành công cho một cán bộ ngân hàng, với giá 96 triệu đồng/m2 (bao sang tên sổ đỏ).
Còn dọc 2 bên bờ sông Tô Lịch, đoạn Khương Trung giao cắt với Nguyễn Trãi, mặc dù hạ tầng chỉ vừa hoàn thiện chưa lâu (đường nối), đất thổ cư đã đua lên giá vì… tự nhiên thành nhà mặt đường. Mảnh đất 46m2, mặt tiền 3,5m, mặt đường Khương Đình mới (bên lẻ) được phát giá 93 triệu đồng/m2 và chuẩn bị tiếp tục lên giá, do thông tin hầm chui Quốc lộ 6 đã chính thức khởi công.
Đất ở địa bàn tiệm cận ngã tư huyết mạch phía Đông Hà Nội đã "đắt xắt ra miếng"
Thậm chí, theo tìm hiểu của PV, nhiều căn chung cư mini trong khu Khương Trung -Khương Hạ cũng lục tục lên giá trị. Chị Linh, chủ căn hộ chung cư mini 92m2 ở Khương Hạ khẳng định, hồi đầu năm chị định bán căn nhà nhưng không được vì khách trả thấp hơn giá kỳ vọng (980 triệu đồng/căn). May sao, sau khi có thông tin về hầm chui chạy dọc từ Ngã Tư Sở xuống Hà Đông, nhiều khách đã quay lại và đặt vấn đề giao dịch. “Nhưng chẳng dại gì mình bán giá như đã rao cách đây 5 tháng. Bây giờ, ai mua thì ít nhất cũng phải 1,3 tỷ đồng…”, người này đoán chắc như vậy.
Nóng… chỗ bán trà đá
Nói một cách dân dã, Kẻ Chợ vốn là nơi buôn bán sầm uất, giao thương buôn bán. Thời điện đại, Hà Nội vẫn giữ trong mình nét đặc trưng thuở nào. Buôn bán, kinh doanh mưu sinh ở Thủ đô lại càng muôn hình vạn trạng. Trong số đó, bán trà đá, trà chanh ngay tại khu vực cửa hầm bộ hành, hầm chui đang mang lại “mớ rau, cân thịt” mỗi ngày cho nhiều người ở Thủ đô.
Hầm đường bộ Kim Liên, một loạt hệ thống hầm bộ hành dọc đường Phạm Hùng, hầm bộ hành Ngã Tư Sở… đó là những “thiên đường” cho mỗi chủ quán giải khát đang vắt óc tìm địa điểm kinh doanh. Đi dọc đường Phạm Hùng, đặc biệt tới đoạn gần Bến xe Mỹ Đình, hầu hết các cửa hầm bộ hành đều được phủ kín bởi các quán trà đá “dã chiến”. Không ai thống kê được doanh thu mỗi ngày, nhưng gần như 24/24h, trừ những ngày mưa to gió lớn, chỉ cần có thêm tấm bạt phủ, khách nườm nượp vào.
Cũng như vậy, khu vực Ngã Tư Sở thời gian qua đã nổi lên là địa điểm “trà chanh chém gió” nổi tiếng trong giới trẻ. Quy hoạch theo từng ô vuông vỉa hè, phân biệt bằng màu ghế, cộng thêm một giàn “tiếp viên” ào ra đường mỗi chiều tối để chèo kéo khách, các quán trà chanh ở đầu hầm lên hầm bộ hành Ngã Tư Sở (phía Nguyễn Trãi) đang “sống khỏe” trong ngày hè.
Được biết, để “thầu” vài mét vuông bán trà đá (hoặc rộng hơn để bán trà chanh), người có nhu cầu phải biết cách “quan hệ” đúng đầu mối. 4 triệu đồng bỏ ra hàng tháng, đổi lại 8m2 bán trà đá buổi tối ở Ngã Tư Sở, mỗi tối chỉ cần bán 4 ấm trà, 1 thùng đá, dăm cái cốc, ghế nhựa: bài toán lời lãi đã được chứng minh khi hầu hết các vị trí “đẹp” ở các đầu lên xuống hầm bộ hành Ngã Tư Sở đều có chủ.
Tới đây, theo dự kiến, tiến độ hầm chui vào khoảng 18 tháng, hầm dài tầm 1km (từ km5+180 tới km6+140 hướng Ngã Tư Sở đi Hà Đông). Dân tình đang kháo nhau và ráo riết tìm cách “đặt gạch xí phần” tại khu vực tiệm hầm chui. Giống với trường hợp hầm chui Kim Liên - Xã Đàn, những vị trí bán trà đá ở dọc 2 bên đường dẫn xuống hầm như vỉa hè phố Kim Hoa, gần cổng trường Đại học Bách Khoa, Công viên Thống Nhất đang thu hút quan tâm của dân kinh doanh vỉa hè. Rủi ro duy nhất với dạng “ăn theo hạ tầng” này, là mỗi đợt thanh kiểm tra của lực lượng trật tự đô thị. Đặc biệt, năm 2014 là năm trật tự và văn minh đô thị của Thủ đô Hà Nội. Nguy cơ “sập tiệm”, mất vốn (vì bị tịch thu, xử phạt, tiền thuê chỗ ngồi vài tháng…) đã rõ rệt.