UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thỏa thuận phương án thiết kế Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Là một trong các dự án cấp bách được cho phép áp dụng cơ chế giao thầu đặc thù, sau 10 tháng, cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Hà Nội) vẫn chưa khởi công. Ảnh: Minh Tuấn
Đây là động thái nhằm thúc tiến độ một trong các dự án cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giao thầu từ tháng 4/2016.
Cần thống nhất ý kiến liên quan đến đê cấp đặc biệt
Công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên là một trong 8 công trình cấp bách, trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội đã được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016. Cho đến nay, sau hơn 10 tháng, Hà Nội vẫn chưa thể “giao thầu” dù lý do trình xin được “giao thầu” là công trình cấp bách để giảm ùn tắc giao thông.
Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội - chủ đầu tư Dự án cho biết, chủ trương đầu tư Dự án đã được HĐND Thành phố thống nhất tại Văn bản số 359/HĐND-KTNS ngày 12/9/2016. Việc thỏa thuận với Bộ NN&PTNT cũng như lấy ý kiến của Hội Thủy lợi Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Dự án là cần thiết do liên quan đến đê cấp đặc biệt.
Thông tin từ UBND TP. Hà Nội cho biết thêm, Hà Nội cần phải tập trung triển khai đầu tư và sớm đưa vào khai thác sử dụng, dự kiến tiến độ thực hiện Dự án trong quý I/2017. Còn theo Sở GTVT Hà Nội thì dự kiến Dự án sẽ được khởi công và hoàn thành trong năm 2017.
Tại Công văn số 326/UBND-ĐT, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến thống nhất với phương án hạ cốt đê tại đoạn từ Km 62+500 đến K63+600 (từ Khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương) đến cao độ dương 12,4 m. Theo UBND Thành phố, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4 m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Phương án này sẽ mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố.
Câu hỏi lớn về tiến độ dự án cấp bách
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đấu thầu về việc tại sao lúc xin cơ chế đặc thù, Hà Nội lấy lý do cấp bách nhưng đến nay có cơ chế rồi thì triển khai Dự án chậm, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Việc xin cơ chế giao thầu là để rút ngắn thời gian thủ tục lựa chọn nhà thầu từ khâu thiết kế, thi công đến tư vấn giám sát. Nếu thực hiện đấu thầu thì phải triển khai qua tối thiểu 3 lần (Lần 1: Đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án; Lần 2: Đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập Thiết kế bản vẽ thi công - Dự toán; Lần 3: Đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát)”.
Đại diện Chủ đầu tư cũng cho rằng, tổng thời gian để triển khai thủ tục giao thầu được rút ngắn so với tổ chức lựa chọn nhà thầu thông thường. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là sau hơn 10 tháng được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, tiến độ triển khai Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên khiến không ít người quan ngại. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, tiến độ triển khai dự án cấp bách này trên thực tế lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không phải công tác đấu thầu.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đấu thầu, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc thực hiện các dự án cấp bách được áp dụng cơ chế giao thầu đang bị vướng ở hai điểm chính. Thứ nhất, do chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự và thủ tục giao thầu nên Hà Nội phải vận dụng để thực hiện. Thứ hai, dù áp dụng cơ chế đặc thù song các thủ tục khác liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan phải được thực hiện theo đúng quy trình và việc triển khai thực hiện cũng mất khá nhiều thời gian, chưa kể các vướng mắc liên quan đến chuyên ngành khác, đơn cử như việc điều chỉnh cốt đê đối với nút giao An Dương - đường Thanh Niên.
Tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP. Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm; đồng thời chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí, tiêu cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông (cả trong quá trình thi công và khai thác) và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình, đúng các quy định hiện hành.
Hoàng Liên (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.