25/07/2017 8:05 AM
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó có một chương riêng về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho ngành Đường sắt phát triển.

Cơ hội “vàng” cho Đường sắt

Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, dự kiến năm 2018, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước năm 2020.

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao, giữa tháng 10/2016, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 331/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về tổng quan đường sắt Việt Nam về việc “tái khởi động” phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu bổ sung quy định về cấp kỹ thuật đường sắt tốc độ cao vào tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn quốc gia về cấp kỹ thuật đường sắt.

Đường sắt Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hiện đại hóa tiến tới xây dựng đường sắt tốc độ cao trong tương lai

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sớm cập nhật các nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, tổ chức hội thảo, truyền thông và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng, Chính phủ thông qua năm 2017 để xem xét; trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018.

“Khi được Quốc hội thông qua, cần chuẩn bị kỹ về thiết kế kỹ thuật và nguồn vốn để giai đoạn 2022 - 2030 thực hiện xong các dự án ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 31/10/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã trình bày Tờ trình Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trước Quốc hội. Tái khẳng định tầm quan trọng của Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước Quốc hội và cử tri, Bộ trưởng chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi của Dự án. Theo đó, dự kiến năm 2018, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước năm 2020. Do vậy, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo tính toán, trước mắt tốc độ chạy tàu được khai thác từ 160km/h đến dưới 200km/h. Đây là bước chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ ≥ 200km/h. Tầm nhìn đến năm 2050, Ngành phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam, sau năm 2050 khai thác với tốc độ 350km/h.

Theo đánh giá, hiện nay hệ thống đường sắt của nước ta có tổng chiều dài 3.143km, trong đó đường chính tuyến là 2.531km, 612km đường ga và đường nhánh; bao gồm 3 loại khổ đường 01m, 1,435m và khổ lồng giữa 01m và 1,435m, trong đó khổ 01m chiếm 85%. Với “tuổi đời” hơn 100 năm, đến nay hệ thống này không những lạc hậu, xuống cấp do không được đầu tư đúng mức mà còn phải đối mặt với tình trạng xâm lấn hành lang ATGT và mở lối đi dân sinh trái phép làm phát sinh nhiều yếu tố gia tăng gây mất an toàn chạy tàu...

Đặc biệt, theo dự báo vận tải, đến năm 2030, Việt Nam xây dựng các dự án khác như cảng hàng không, đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ 4 - 6 làn xe và cải tạo đường sắt cũ với tốc độ 80 km/h vẫn cần có thêm tuyến đường sắt mới vì khi đó, với khoảng 57 triệu hành khách/năm, bắt buộc phải có thêm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mới có thể đảm nhận việc vận chuyển.

Một dự án cần được ưu tiên

Tại buổi tọa đàm: “Vai trò của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội” được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng đề án và trình Quốc hội về Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ngành Đường sắt phải làm rất nhiều việc, bao gồm việc chuẩn bị xây dựng dự án, chuẩn bị cho nguồn nhân lực. Đặc biệt, chúng ta phải chuẩn bị về mặt khoa học kỹ thuật. Nếu chúng ta không chuẩn bị, xây dựng được khối cơ khí phát triển thì chắc chắn giá thành của chúng ta lại tiếp tục cao do phải nhập khẩu”.

Ngay sau khi Luật Đường sắt (sửa đổi) được Quốc hội bấm nút thông qua, trả lời trước báo chí, đại biểu Lê Công Nhường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng: Để giải quyết bài toán giao thông của nước ta, thiết nghĩ Chính phủ và Quốc hội xem xét ưu tiên làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chiều dài khoảng 1.300km, kết nối với các tỉnh miền Tây khoảng 200km, tức là tổng tuyến đường sắt từ Hà Nội đến Cà Mau là 1.500km với tốc độ 200km/h. Nếu Đường sắt Việt Nam đầu tư và đáp ứng khoảng 1/2 dân số, tức là khoảng 45 triệu lượt hành khách/năm thì sẽ giảm được áp lực cho ngành Hàng không và Đường bộ rất lớn.

“Nếu làm được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì thời gian đi từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại chỉ mất 7 giờ đồng hồ. Như vậy, chắc chắn sẽ giảm áp lực cho ngành Hàng không và Đường bộ (cao tốc đường bộ chỉ 120 km/h), đặc biệt là sẽ đáp ứng được vận tải hàng hóa khối lượng lớn. Bên cạnh đó, khi tuyến đường sắt cao tốc này được đưa vào sử dụng sẽ kết nối được với các cảng như Hải Phòng, Quảng Ninh và các cảng ở TP. Hồ Chí Minh..., chi phí logistics sẽ giảm được rất nhiều, tăng sức cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế”, đại biểu Nhường nhấn mạnh.

Không chỉ kết nối được vựa lúa miền Nam, giải phóng sức sản xuất cho miền Tây mà tuyến đường sắt tốc độ cao có thể giúp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có điều kiện phát triển, góp phần phát triển GDP và nộp ngân sách nhà nước tốt hơn.

Thêm nữa, đầu tư ngành Đường sắt có thể thu hút tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài do sự hấp dẫn từ việc hình thành các khu đô thị bên cạnh các nhà ga và các trung tâm thương mại quanh ga. Khi đường sắt khởi sắc sẽ tạo đà cho nền kinh tế phát triển, tạo nguồn lực làm tiếp đường bộ cao tốc.

Dưới góc nhìn của chuyên gia vận tải, ông Thân Văn Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận: “Đường sắt có ưu điểm chở được lượng hàng hóa lớn, chặng đường xa, độ an toàn cao, song để đáp ứng nhu cầu của người dân thì phải tăng tốc độ chạy tàu trên 100 km/h, có đường sắt tốc độ cao là rất lý tưởng. Hiện nay, vận tải đường bộ hiện chiếm 60% cơ cấu vận tải, trong khi đó năng lực vận tải của đường sắt lại rất thấp. Đáng lẽ ra nước ta phải xây dựng đường sắt tốc độ cao cách đây cả chục năm, giờ mới tái khởi động là hơi chậm, song chậm còn hơn không. Hiện tất cả đè nặng lên đường bộ, khi ùn tắc, quá tải thì rối không thể gỡ ra được”

Lê Minh(Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.