Sau khi thông tin này được phát đi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản tỏ ra không đồng tình với cách làm này của Hà Nội. TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn đặt câu hỏi: Việc Hà Nội mua dự án mà không qua đấu thầu sẽ khiến người dân nghĩ đến chuyện lợi ích nhóm, thậm chí phải chăng những dự án đó là "sân sau" của thành phố?
Hà Nội đang có rất nhiều dự án chung cư ế
Vừa chuyển đổi vừa mua dự án ế
Trong buổi giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức ngày 9/4, lãnh đạo sở Xây dựng đã trả lời một số vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc, đại diện sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ đề nghị UBND thành phố chi tiền để tiến hành thẩm định về giấy tờ, giá cả các dự án nhà ở thương mại được chủ đầu tư gửi hồ sơ chào bán. Sau khi đủ điều kiện, Sở sẽ tiến hành tư vấn cho người dân tái định cư đến mua trực tiếp với giá hợp lý. Ngoài ra UBND thành phố cũng đã đồng ý chuyển ba dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Cụ thể, đó là dự án chuyển đổi mục tiêu từ dự án phát triển nhà ở thương mại sang nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu đô thị mới Trung Văn, huyện Từ Liêm do công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án cho phép chuyển đổi mục tiêu sử dụng giai đoạn một khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú, Hà Đông từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội của công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Sông Đà. Dự kiến dự án này sẽ khởi công xây dựng vào tháng 6/2013, gồm 35 tầng với 544 căn hộ. Dự án xin điều chỉnh chức năng và quy mô dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long Hà Nội của công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư đang làm hồ sơ điều chỉnh quy hoạch kiến trúc tại sở Quy hoạch Kiến trúc theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng nhà ở thương mại, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, hiện tại TP. Hà Nội đang có chủ trương mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng hiện đang có một số vấn đề đặt ra, đặc biệt là giá thành cần có sự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và thành phố. Sau ba tháng sở Xây dựng ra văn bản nhưng hiện chưa có dự án nào đăng ký bán lại cho thành phố.
Được biết, nguyên tắc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là diện tích phải dưới 70m2 và giá thành dưới 15 triệu đồng/m2.
TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng
Nếu thực hiện, phải đấu giá minh bạch
Giải cứu bất động sản là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, tuy nhiên giải cứu như thế nào, giải cứu ai lại mới là vấn đề then chốt. Chủ trương giải cứu của Hà Nội không có gì đáng ngạc nhiên, tuy nhiên cách làm của Hà Nội lại là vấn đề khiến nhiều người không yên tâm.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay có rất nhiều dự án BĐS ngoại thành và cả nội thành phố đang được chào bán căn hộ với giá dưới 15 triệu đồng/m2. Như dự án của Viglacera ở Xuân Phương được rao bán từ 12 - 14 triệu đồng/m2, hoặc dự án chung cư tại đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) được bán với giá 13 triệu đồng/m2... Rõ ràng, việc người dân muốn tìm mua một căn hộ với giá dưới 15 triệu/m2 trong thời điểm hiện tại là điều hoàn toàn dễ dàng. Như vậy, việc TP. Hà Nội bỏ tiền ra để mua lại các dự án rồi bán lại với giá dưới 15 triệu đồng/m2 chẳng khác nào chở củi về rừng?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, chủ trương chuyển đổi công năng nhà từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn của bộ Xây dựng cũng như của UBND thành phố Hà Nội. Điều đó thể hiện phản ứng linh hoạt của thành phố trước biến động của thị trường.
Tuy nhiên, theo TS. Minh Phong, "nếu Hà Nội thực hiện việc mua nhà thương mại để chuyển đổi thì phải thực hiện theo hình thức công khai bằng cách đấu thấu nếu như giá trị của sản phẩm trên 500 triệu theo Luật Đấu thầu. Mặt khác, tất cả các quá trình mua bán đó phải được công khai theo luật, chứ không thể thích ai thì mua của người đó. Với tinh thần ấy sẽ minh bạch và phù hợp với nguyên tắc thị trường. Chứ không thể mua tù mù mà bán cũng không biết đối tượng nào, hoặc ép đối tượng mua phải mua với giá đấy thì không đúng. Tôi nghĩ, cần phải xem lại quy trình, chủ trương là không sai nhưng cách làm có thể là chưa phù hợp". TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Cùng chung quan điểm với chuyên gia Nguyễn Minh Phong, TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chủ trương của Hà Nội là nhằm giúp thị trường BĐS tháo gỡ khó khăn. Ý định đó là tốt nhưng bằng cách nào thì phải cân nhắc.
Tuy nhiên, TS. Phạm Sĩ Liêm đặt ra nhiều nghi vấn về cách làm của Hà Nội: "Thứ nhất, anh giúp ai? Công ty nào? Bởi bây giờ doanh nghiệp bất động sản tồn kho nhiều lắm. Vì thế, anh mua dự án của doanh nghiệp này mà không mua dự án của doanh nghiệp kia là do anh tính toán lợi ích chung hay lợi ích riêng thì chả ai nắm được cả. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi, liệu những doanh nghiệp được mua có phải là hậu phương của anh hay không? Có phải là sân sau của anh hay không? Bởi vì bao nhiêu dự án đang bị tồn như thế mà anh chỉ lấy có ba dự án để mua thôi là không ổn. Nếu có ý định mua thì tại sao không đấu thầu hẳn hoi một cách minh bạch? Tôi cho rằng, nếu Nhà nước muốn mua thì phải tổ chức đấu thầu công khai minh bạch, đưa điều kiện ra, ai đáp ứng điều kiện tốt nhất thì tôi chọn".
Theo ông Liêm, Hà Nội không nên mua những dự án như thế, bởi vì Nhà nước không nên làm thay thị trường, Nhà nước chỉ nên tạo điều kiện cho họ có nhà để bán, để cho thuê. Cho nên vấn đề là tạo điều kiện cho thị trường chứ đừng có làm thay thị trường.
Liên quan đến mục đích giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp thông qua việc mua dự án ế, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, đó là một mục tiêu không thể thực hiện được. Vì dự án tồn kho của Hà Nội còn quá nhiều.