Theo số liệu thống kê vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, từ đầu năm tới ngày 20/11/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nguồn vốn cam kết đầu tư của Trung Quốc đang nằm trong tốp cao ở Việt Nam, đứng thứ tư chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc, và Singapore.
Trong 11 tháng qua, Trung Quốc có 244 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là hơn 1,35 tỷ USD; 75 dự án đang hoạt động tăng thêm vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là gần 267 triệu USD, cùng 725 lượt dự án góp vốn mua cổ phần với gần 435 triệu USD.
Như vậy, nguồn vốn đầu tư Trung Quốc cam kết vào Việt Nam đạt hơn 2,05 tỷ USD. Tính lũy kế đến cuối tháng 11, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đến nay đạt hơn 12 tỷ USD, với 1.784 dự án đầu tư, trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 tại Việt Nam.
Mới đây Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) - Trung Quốc tổ chức hội nghị thu hút vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam, nhằm liên kết, hợp tác với các công ty chứng khoán Việt Nam để thu hút, huy động nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự kiện này chưa có đủ cơ sở để đánh giá sẽ mang lại thuận lợi hay khó khăn gì cho nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường bất động sản. Các chuyên gia chỉ lưu ý, với dòng vốn có nhiều điều tiếng từ Trung Quốc thì Việt Nam cần cảnh giác và thận trọng trong hợp tác đầu tư.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu và tư vấn Jones Lang LaSalle Việt Nam, làn sóng đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trải rộng trên khắp các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp đến bất động sản du lịch. Dự báo, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản của đối tác Trung Quốc sẽ tiếp tục sôi động, đặc biệt trong thị trường nhà ở.
Ngoài các giao dịch thương mại và nhà ở, thị trường M&A cũng xuất hiện một giao dịch khu công nghiệp. Đó là thương vụ Ascendas Singbridge chuyển nhượng lô đất có diện tích 0,3 ha tại Khu công nghiệp Singapore Ascendas Protrade (APSTP) cho Công ty công nghệ Koan Hao (Đài Loan).
APSTP là khu công nghiệp thế hệ mới rộng 500 ha tại Bình Dương chuyên cung cấp mặt bằng khu công nghiệp từ các khu đất có sẵn, các nhà máy xây dựng sẵn cùng với các giải pháp thiết kế riêng cho khách hàng khác.
Phối cảnh dự án Swan Bay về tay Tập đoàn CFLD Trung Quốc
Trước đó, hồi đầu tháng 5, sau 10 năm nằm trong tay VinaCapital, dự án Đại Phước Lotus đã về tay Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) đến từ Trung Quốc và đổi tên thành Swan Bay. Theo đó, CFLD đã mua lại toàn bộ cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus từ quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited - VOF (thuộc VinaCapital). Khoản tiền hai quỹ trên thu được từ giao dịch này lần lượt là 48,8 triệu USD và 16,5 triệu USD.
Vào tháng 9/2016, CFLD cũng thể hiện tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam khi hợp tác với Tập đoàn Tín Nghĩa để phát triển khi đô thị Đông Sài Gòn và khu công nghiệp Ông Kèo tại Đồng Nai. Cả hai dự án này đều có vị trí liền kề với dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được nghiên cứu triển khai.
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) và Hongkong Land cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác phát triển dự án căn hộ Thủ Thiêm River Park trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM.
Dự án được thiết kế với 1.140 căn hộ 1-4 phòng ngủ, trong đó bao gồm căn hộ cao cấp, biệt thự trên không và căn hộ sân vườn cùng các tiện ích như hồ bơi, khuôn viên cây xanh, siêu thị, cửa hàng. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 400 triệu USD.
Trước đó, năm 2015 HongKong Land đã cùng hợp tác với SơnKim Land đầu tư phát triển dự án The Nassim tại Thảo Điền, quận 2. The Nassim sẽ cung cấp cho thị trường 238 căn hộ sang trọng từ 1 đến 4 phòng ngủ và penthouse.
Thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2017 2.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016; 1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016; 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016. |