Nút thắt giao thông đã mở ra cơ hội đầu tư mới sôi động hơn cho khu vực phía Đông Hà Nội.
Mở “nút thắt” hạ tầng, giao thông
Nhiều năm nay, ngược lại với việc tỏ ra hào hứng khi dồn vốn đầu tư vào khu vực phía Tây do lợi thế có quy hoạch thành trung tâm thành phố, đa số ông chủ lớn kể cả trong và ngoài nước lại có “thành kiến” đặc biệt với khu vực phía Đông.
Các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại và không mấy mạnh dạn khi đầu tư vào khu vực này với nhiều lý do. Lý lẽ mà các nhà đầu tư đưa ra khi đó chính là việc, do khu vực phía Đông vẫn được coi là khu vực xa trung tâm do “giao thông chưa phát triển”.
Tuy nhiên, hiện nay, nút thắt yếu nhất của khu vực phía Đông là hạ tầng đã được cởi bỏ, mở ra cơ hội đầu tư lớn về thị trường địa ốc tại đây.
Trong buổi báo cáo thị trường quý I vừa được tổ chức ở Hà Nội, ông Lê Minh Dũng, Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, khu vực phía Đông và Tây Bắc thành phố sẽ được coi trọng do đang diễn ra tình trạng thừa cung cục bộ tại khu phía Tây cũng như việc khó xây dựng thêm các dự án tại khu vực trung tâm. Do đó, tất yếu sẽ có xu hướng dịch chuyển các dự án sang phía Đông và Đông Bắc Hà Nội.
Đồng quan điểm đó, ông Matthew Powell, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Savills Việt Nam, trong một buổi họp báo cách đây vài năm, đã phân tích: Mặc dù nhiều nhà đầu tư đang có thành kiến với khu vực phía Đông nhưng trên thực tế, khu vực này chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 2 - 3km, hạ tầng giao thông đang phát triển nhanh chóng, nhất là từ khi cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy đi vào hoạt động.
Cùng với việc thông xe cầu Vĩnh Tuy, tuyến đường này kết hợp với quốc lộ 5A, 5B, 1A, 1B, đường vành đai 3... đã tạo ra tuyến giao thông thông suốt giữa hai bờ sông Hồng.
Khi đó, ông Powell đã từng khẳng định: “Đây là khu vực đầy tiềm năng để đầu tư bất động sản và sẽ là cơ hội tốt cho những ai rũ bỏ thành kiến, biết đón đầu thị trường”.
Diễn biến thị trường trong vài năm trở lại đây cho thấy, dường như những dự báo trên của các chuyên gia bất động sản đã dần trở thành hiện thực khi phía Đông Hà Nội ngày càng chứng tỏ tiềm năng đầu tư lớn của mình.
Nhiều nhà đầu tư lớn đã âm thầm “vét” những mảnh đất cuối cùng của khu vực phía Đông và Đông Bắc Hà Nội khi giá cả chưa bị đẩy lên cao.
Cùng với đó là hàng loạt dự án “khủng” đã được định hình tại khu vực này, hình thành nên sắc thái riêng biệt với khu vực khác của Hà Nội
Nếu như cách đây vài năm, điểm thu hút nhất của phía Đông thành phố có chăng chỉ là với Vincom Village. Nhưng hiện nay, không ít tên tuổi đã chọn phía Đông làm cứ điểm đầu tư với những dự án quy mô lớn cho thấy tiềm năng của khu vực này đã được đánh giá đúng mức.
Điểm qua có thể thấy rõ, với Garden City, Berriver Long Bien, khu đô thị mới Việt Hưng (302ha), khu đô thị khoa học Gia Lâm (400ha), khu đô thị Ecopark (500 ha, đô thị sinh thái lớn nhất Việt Nam), Garmuda City…
Gần đây nhất là việc đại gia Viglacera rầm rộ triển khai dự án khu đô thị mới Đặng Xá, Sài Đồng với hàng chục ngàn căn hộ thu nhập thấp với mức giá cực rẻ chỉ từ 300 triệu đồng/căn đã đi vào hoạt động.
Từng bước, cùng với việc cải thiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị, các dự án bất động sản phía Đông đã tạo nên một chuỗi đô thị hiện đại, sầm uất trải dài bên bờ bắc sông Hồng.
Lợi thế về quỹ đất và giá
Dù không bằng phía Tây do không có quy hoạch hành chính nhưng bù lại phía Đông và Đông Bắc Hà Nội hiện đang là khu vực có quỹ đất còn lại thuộc dạng dồi dào nhất ở thủ đô.
Trở lại thời điểm vài năm cách đây, khu vực phía Tây đã bỗng nhiên trở thành điểm nóng đầu tư với chằng chịt dự án đô thị, phức hợp hiện đại được xác lập, lên phương án đầu tư nhằm đón đầu quy hoạch.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại không như ý muốn của nhiều chủ đầu tư do khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Hệ quả là trong các báo cáo gần đây của nhiều tổ chức đưa ra đều cho thấy, tại khu vực này đang diễn ra tình trạng thừa cung trầm trọng, thậm chí danh sách dự án tiến độ “rùa” hoặc “treo trên giấy”; khu đô thị ma hoang tàn… cũng ngày một dài ra cùng với sự ảm đạm của thị trường.
Mặt khác, theo đánh giá của CBRE, trong cả ngắn hạn và dài hạn, việc xây dựng thêm các dự án tại khu vực trung tâm của Hà Nội hiện nay gần như là không thể. Bởi quỹ đất không còn cộng với những quy định chặt chẽ của quy hoạch khu trung tâm.
Đó chính là lý do dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung diễn ra trong thời gian dài tại khu vực trung tâm của thủ đô.
Trong khi đó, với quỹ đất còn khá lớn, phía Đông sẽ mang đến sự đa dạng về nguồn cung cho các nhà đầu tư địa ốc, đây được coi là lợi thế không hề nhỏ so với các khu vực khác của Hà Nội.
Bên cạnh đó, không chỉ có quỹ đất lớn, giá đất cũng thấp hơn phía Tây cũng là lợi thế lớn của phía Đông so với các khu vực khác.
Khảo sát của BizLIVE cho thấy, hiện giá đất liền kề, biệt thự phía Đông Hà Nội đã giảm nhiều so với thời điểm cách đây 3 năm, dao động trong khoảng từ 20-50 triệu đồng/m2.
Tại một số dự án khu đô thị lớn, giá cũng khá sát với thị trường như Ecopark có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2, Hanoi Garden City khoảng trên dưới 50 triệu đồng/m2.
Giá đất nền ở Khu đô thị mới Việt Hưng khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2; đất liền kề tại đường lớn trong Khu đô thị Sài Đồng cũng chỉ 40 - 45 triệu đồng/m2.
Về giá nhà đất khu vực quận Long Biên, hiện đất tại các mặt tuyến phố chính của Long Biên có giá dao động trong khoảng từ 100 triệu - 180 triệu đồng/m2; khu vực Bồ Đề giá thấp hơn nhiều quang mức từ 40 triệu – 70 triệu đồng/m2.
Ở phân khúc chung cư, có thể nói đây là phân khúc có giá hấp dẫn nhất Hà Nội hiện nay. Hiện chỉ có Berriver Long Biên đang có giá cao nhất khoảng từ 20 - 23 triệu đồng/m2.
Theo thống kê của Sàn giao dịch bất động sản HB Land, mặt bằng chung giá chung cư khu phía Đông chỉ dao động trong khoảng từ 15 - 18 triệu đồng/m2.
Thậm chí, tại dự án khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm), mức giá bán căn hộ chung cư đã không ít lần gây sốt thị trường Hà Nội với giá dao động chỉ khoảng từ 9 - 14 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chính lợi thế về giá đất thấp sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư vừa và nhỏ).
Bởi lẽ, việc chủ đầu tư không phải bỏ vốn quá lớn đồng nghĩa với rủi ro tài chính sẽ thấp đi và tỷ suất sinh lời có thể sẽ cao hơn.