Thị trường BĐS TP.HCM bước vào chu kỳ mới với bức tranh còn nhiều mảng đối lập. Không ít đại gia hoành tráng thời kỳ 2007 đã phải bán tháo dự án, thoái vốn thậm chí “bỏ trốn”… nhưng đó cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp mới khẳng định thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường.
Sự kiện ồn ào mở đầu cho cuộc thoái trào của các đại gia địa ốc chính là tuyên bố rút lui của ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai gần cuối năm 2013. Tiếp đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng có những động thái tương tự qua những thương vụ chuyển nhượng dự án.
Đảm bảo dòng tiền giúp dự án về đích đúng tiến độ
Quy mô các doanh nghiệp cũng như giá trị mỗi thương vụ có nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Trần Khánh Quang, TGĐ CTCP Đầu tư Việt An Hòa, đằng sau mỗi cuộc mua bán thành công chính là một bên đang bế tắc về dòng tiền và một bên có năng lực tài chính lẫn khả năng phát triển dự án.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành thừa nhận, chính những đơn vị có năng lực khi mua lại dự án đã đưa sản phẩm đến được với khách hàng, khơi thông thị trường trong năm 2014. Họ đã tự cứu mình, cứu thị trường trước khi chờ “bàn tay” của nhà nước.
Theo thông tin trên thị trường, các dự án do An Gia Investment mua lại và đầu tư đều có tỷ lệ mở bán thành công hơn 80% sau khoảng 3 tháng chào thị trường. Với dòng căn hộ 8X, Hung Thinh Corp liên tiếp tung ra thị trường 3 dự án 8X Đầm Sen, 8X Thái An, 8X Plus sau khi mua lại và trở thành điểm nhấn trên phân khúc căn hộ giá rẻ.
Novaland tiêu thụ hơn 90% căn hộ tại các dự án Galaxy 9, Lexington Residence, Tropic Garden… Bán thành công 3.000 sản phẩm trong năm 2014, Novaland cũng tiếp đà giao dịch gần 2.000 sản phẩm trong 5 tháng đầu 2015 và bàn giao căn hộ Tropic Garden, Sunrise City Central vượt tiến độ.
Cuộc chơi thông minh hơn
Khách hàng thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn. Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) về thị trường hiện nay.
Nếu như trước đây, chủ đầu tư quá “mơ mộng”, chạy theo nhu cầu “ảo”, thì khoảng năm 2013 trở lại, giá trị thực đã dần trở lại. Vắng dân đầu cơ, người mua nhà với nhu cầu thực dẫn dắt thị trường. Mọi thành phần tham gia thị trường đều nhận được bài học từ thời kỳ bong bóng BĐS để đến một chu kỳ mới bền vững, ổn định hơn.
Theo ông Châu, có một điểm chung ở nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tại TP.HCM thời gian gần đây là họ chấp nhận biên độ lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư dự án khá thấp, chỉ khoảng 5 - 15%. Đây là sự chia sẻ lợi nhuận với khách hàng để cùng phát triển. Cũng nhờ đó, tốc độ bán hàng được đẩy nhanh tạo dòng tiền triển khai dự án đúng tiến độ, thay vì ham lời nhiều để rồi ôm hàng tồn kho.
Nỗ lực tối ưu hóa giá thành cũng là điều đáng ghi nhận trên thị trường. Với Hung Thinh Corp, có thể thấy gói giải pháp toàn diện từ đầu tư, thiết kế thi công đến bán hàng đã mang lại sản phẩm có giá cạnh tranh trên thị trường. Hay đối với Novaland, tiêu chí giá bán sát giá thành luôn xuyên suốt các dự án. Bài toán hai bên cùng thắng được giải quyết khi khách hàng nhìn thấy giá trị gia tăng từ khi mua căn hộ đến lúc nhận bàn giao.
Tuy nhiên, những yếu tố trên chưa đủ để doanh nghiệp có thể khẳng định thương hiệu trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. “Bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có” - Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Hung Thinh Corp. Nghiên cứu thị trường để đưa ra dự án phù hợp cả về giá bán, thiết kế là cách làm chuyên nghiệp ở các thị trường phát triển.
Liệu những doanh nghiệp bán hàng tốt như Phú Mỹ Hưng, Novaland, Hung Thinh Corp, An Gia Investment… có yếu tố nào đặc biệt giúp họ hiểu thị trường để đưa sản phẩm phù hợp và kiểm soát rủi ro khi bỏ tiền đầu tư một dự án mới?