Theo Standard Chartered Bank, các số liệu mới nhất của kinh tế Việt Nam trong tháng 8 cho thấy sự tiếp nối của xu hướng kinh tế giống như những gì đã diễn biến phần lớn ở nửa đầu năm 2010. Đặc biệt, dòng tiền đầu tư vào Việt Nam đang tăng mạnh
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh (ảnh: QĐ)
Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố bản báo cáo kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm đánh giá xung quanh vấn đề lạm phát, thâm hụt thương mại.
Theo ghi nhận từ các chuyên gia kinh tế của ngân hàng này, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức tương đối 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8, thâm hụt thương mại cũng duy trì ổn định ở mức 900 triệu USD, theo đó, tổng thâm hụt thương mại trong 8 tháng đầu năm chỉ hơn 8 tỷ USD.
Đánh giá về hai giải pháp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra nhằm duy trì được sự ổn định của cả lạm phát và thâm hụt thương mại, các chuyên gia Standard Chartered Bank cho biết: Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, việc tăng lãi suất tham chiếu USD/VND lên mức 2% vào ngày 18/8 có tác dụng ngăn chặn trước rủi ro của gia tăng thâm hụt thương mại.
Và theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/10, các sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu của các công ty tư nhân và nước ngoài sẽ bị áp dụng các biện pháp kiểm soát giá.
Hai biện pháp này theo đánh giá của Standard Chartered Bank sẽ tạo ra một số tác dụng. Thứ nhất, lạm phát trong thời gian tới đây vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đặc biệt khi giá năng lượng và thực phẩm trên toàn cầu không tăng quá mạnh. “Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng việc kiểm soát giá sẽ có hiệu quả trong trường hợp có sự gia tăng liên tục của giá nguyên liệu đầu vào”, bản báo cáo nhấn mạnh.
Thứ hai, sự giảm giá vừa qua của VND sẽ tiếp tục ngăn các nhà chính sách hạ lãi suất. Thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian trung hạn và VND có thể sẽ tiếp tục giảm giá trong các năm 2010 - 2011.
Cũng theo đánh giá của ngân hàng này, sự ổn định của giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu đã giúp ích cho việc kiểm soát giá cả trong nước. Lạm phát ở nguyên vật liệu xây dựng (chiếm 10% tỷ trọng CPI) và chi phí giao thông vận tải (chiếm 8,9% tỷ trọng CPI) đều đang giảm dần, tạo nên sự ổn định của lạm phát.
Lạm phát do thực phẩm, thành phần lớn nhất của rổ chỉ số giá và chiếm tới 40% tỷ trọng CPI, đã nhích lên trong 3 tháng vừa qua, nhưng vẫn không đủ để có thể vượt chiều hướng giảm lạm phát của các thành phần khác.
Thâm hụt thương mại đã duy trì khá ổn định trong phần lớn thời gian năm 2010, quanh mức 1 tỷ USD mỗi tháng, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu và hạn chế tăng trưởng nhập khẩu.
Trong khi đó, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) và dòng kiều hối cũng đang hồi phục vững chắc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI đã đạt 7,25 tỷ USD và nguồn vốn ODA đạt 1,81 tỷ USD. Còn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt mức 3,9 tỷ USD…
Cafeland.vn - Theo An Hạ ( Dantri )
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland