Mặc dù đã có cái tên gọi là "đồng thuận", nhưng theo các nhà băng, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường cũng như động thái của ngân hàng lớn. Nói khác đi, "hứa" là như vậy, nhưng hạ được lãi suất hay không lại là câu chuyện khác, yếu tố lạm phát đang được các ngân hàng quan tâm hàng đầu.
Nhìn trước, ngó sau
Với chủ trương giảm lãi suất đầu vào xuống mức 10%/năm như đề ra của Chính phủ, các ngân hàng cho biết, khó có thể thực hiện được trong bối cảnh thị trường hiện nay. Tuy nhiên, với mức lạm phát kỳ vọng năm nay, hiện lãi suất đã thực dương, đây là cơ sở để VNBA tiếp tục kêu gọi các ngân hàng điều chỉnh giảm thêm chi phí đầu vào để có thể hạ lãi suất xuống thấp hơn nữa kể từ ngày 15/10.
Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, một số ngân hàng cho biết, trước hết, ngân hàng phải thăm dò diễn biến của thị trường cũng như động thái của các đơn vị bạn mới thực hiện cắt giảm lãi suất. Trong đó, động thái của ngân hàng lớn luôn được nhà băng nhỏ quan tâm, vì sợ giảm lãi suất sẽ mất khách hàng và khó thu hút thêm tiền gửi.
Phó Tổng giám đốc HDBank, ông Đàm Thế Thái cho biết, trên cơ sở sự đồng thuận, nếu các đơn vị bạn giảm lãi suất thì chắc chắn HDBank cũng sẽ thực hiện được. Theo ông Thái, trong bối cảnh thị trường hiện nay, mức độ cạnh tranh huy động vốn vẫn không hề giảm so với trước đây, mặc dù với Thông tư 19/2010/TT- NHNN về việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Thông tư 13/2010/TT - NHNN, các NHTM đã bớt căng thẳng hơn phần nào trong hoạt động huy động và cho vay.
Cũng theo ông Thái, mặt bằng lãi suất huy động khoảng 11 - 11,2%/năm hiện nay, nếu so với lạm phát kỳ vọng cả năm (8%) là đã thực dương. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang trầm lắng, còn vàng sôi động nhưng cũng khá rủi ro. Vì thế, gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn, nhằm bảo toàn vốn. Song, để nhiều ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu cho vay tăng lên trong những tháng cuối năm, nhu cầu huy động thêm vốn là không nhỏ, khiến cho việc cạnh tranh huy động vẫn khó giảm.
Khi áp lực lạm phát gia tăng và kỳ vọng lãi suất của người dân luôn ở mức cao thì việc huy động được vốn lãi suất thấp là rất khó
Ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng giám đốc ABBank cho rằng, khả năng, lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ giảm thêm trong thời gian tới, nhưng biên độ sẽ không lớn và như kỳ vọng mà chỉ có thể dao động khoảng 0,5%/năm. Trước mắt, các ngân hàng có thể tiết kiệm chi phí huy động vốn bằng cách giảm dần khuyến mãi, quà tặng. Còn việc giảm lãi suất tiền gửi xuống mức cao nhất không quá 11%/năm có thể cần thêm thời gian, vì áp lực lạm phát đang gia tăng. Do đó, việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn trước hết đòi hỏi phải được thực hiện ở các ngân hàng lớn.
Trong khi đó, theo đại diện của Vietcombank, do cạnh tranh giữa các ngân hàng về huy động vốn ngày một gay gắt hơn trước nên Ngân hàng cũng không thể mạnh tay điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Hiện, lãi suất tiết kiệm tiền đồng áp dụng tại Vietcombank kỳ hạn 3 - 6 tháng vẫn là 11,2%/năm.
Theo một cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng, diễn biến lãi suất sẽ do thị trường quyết định. Nếu nhu cầu vốn của thị trường trong quý IV tăng cao như dự đoán và kỳ vọng của các nhà băng thì lãi suất tiền gửi - cho vay sẽ khó giảm.
…lãi suất sẽ giảm tiếp?
Mặc dù vẫn biết khó khăn, song muốn tăng trưởng được dư nợ tín dụng trong bối cảnh thị trường hiện nay, nếu "neo" lãi suất cho vay ở mức cao sẽ khó thu hút được khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp. Vì thế, lãi suất cho vay tiền đồng đang dần cạnh tranh, dù không được như kỳ vọng của nhiều người.
Lãi suất cho vay vốn qua hệ thống ACB Online sẽ được giảm 0,4%/năm so với chi phí lãi vay thông thường tại ACB, tức chỉ dao động trên dưới mức 13%/năm.
Lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị được HDBank áp dụng đối với các DNVVN ưu đãi ở mức 11,5%/năm.
MHB cũng vừa công bố áp dụng chính sách cho vay ưu đãi mới theo hướng giảm lãi suất cho một số đối tượng với các điều kiện cụ thể. Mức lãi suất ưu đãi của MHB có thể sẽ được giảm lên đến 20% so với lãi suất cho vay thông thường tại thời điểm cho vay. Tuy nhiên, MHB chỉ ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay để xây dựng các khu công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân cư trọng điểm phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương với phương án/dự án được Ngân hàng đánh giá khả thi và đảm bảo điều kiện theo quy định của MHB…
NamA Bank dành ngân khoản 1.000 tỷ đồng cho khách hàng là các DNVVN và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vay phục vụ việc sản xuất trong nước, hoạt động xuất, nhập khẩu, với lãi suất thỏa thuận áp dụng từ nay đến cuối năm là 13%/năm với tiền đồng.
Nhìn chung, lãi suất cho vay thỏa thuận đang được các ngân hàng cắt giảm nhẹ, song để thực hiện được như chủ trương Chính phủ đưa ra là không dễ vì lãi suất huy động không thể giảm được như mong đợi. Trong điều kiện hiện nay, khi áp lực lạm phát gia tăng và kỳ vọng lãi suất của người dân luôn ở mức cao thì việc huy động được vốn lãi suất thấp là rất khó.
Theo đại diện một ngân hàng, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2010 của hệ thống NHTM là 25% thì 3 tháng cuối năm phải tăng bình quân 1,83%/tháng bởi 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng mới tăng 19,5% so với cuối năm 2009.
Theo số liệu thống kê, 8 tháng đầu năm, huy động tiền đồng của hệ thống ngân hàng tăng rất cao (khoảng 23,3%). Nhưng giá vốn duy trì ở mức cao cho thấy, nhu cầu vốn vay bằng tiền đồng lớn cộng với nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp tại những thời điểm cuối năm luôn cao hơn các tháng trước, dẫn đến dư nợ quý IV/2010 rất có thể tăng mạnh. "Tuy nhiên, việc dư nợ tăng đột biến hay không còn phụ thuộc vào phương án kinh doanh của doanh nghiệp cần tài trợ có thật sự hiệu quả để ngân hàng xem xét cho vay và giải ngân", vị đại diện ngân hàng trên cho biết.
Trên tinh thần đồng thuận của các thành viên, VNBA cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian tới, song để thực hiện điều này, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên chính là lạm phát.
Tháng 9 vừa qua, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu tăng cao. Do đó, ngân hàng cũng phải nghe ngóng thị trường để có thể điều chỉnh lãi suất giảm thêm, nhất là khi nhu cầu vốn doanh nghiệp trong quý IV/2010 được dự báo tăng. Vì thế, theo một cán bộ ngành ngân hàng, để giảm được lãi suất so với mặt bằng hiện nay, đòi hỏi Chính phủ, NHNN có các biện pháp tổng thể đối với nền kinh tế để kìm hãm đà tăng lạm phát, giúp ngân hàng hạ lãi suất huy động.