Tỉnh ra quyết định tuỳ tiện, Cty ngang nhiên chiếm đất của dân.
Theo phản ánh của các hộ dân đang sinh sống trên khu đất (gồm ông: Nguyễn Thanh Dũ, Nguyễn Văn Luốt, Nguyễn Thanh Sơn, Trần Văn Thơi, Huỳnh Văn Tòng…) hiện tất cả phần đất của họ đã bị Cty TNHH Domyfeed san bằng. Mặc dù các hộ này đã được UBND thị xã Sa Đéc chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất vườn trồng cây ăn trái từ nhiều năm nay. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cũng được cấp cho từng hộ cụ thể. Thế nhưng khi UBND tỉnh ra quyết định giao đất cho Domyfeed lại không họp dân về chủ trương này. Riêng Domyfeed tuy có thoả thuận để mua lại phần đất 2 bên rạch kênh Xáng nhưng cũng không thực hiện đến nơi đến chốn.
Đất và tài sản trên đất của các hộ dân đang bị Cty Domyfeed san bằng và chiếm dụng
Theo biên bản thoả thuận vào ngày 27/02/2007, ông Huỳnh Văn Tòng, bà Nguyễn Thị Đồng, ông Huỳnh Văn Bình, ông Huỳnh Văn Kết, ông Huỳnh Văn Đang, ông Huỳnh Văn Khanh đồng ý chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đức Hoài Dương, ông Lã Thanh Hải (đại diện công ty cổ phần Hoàn Mỹ) với giá đất nông nghiệp 1.400.000đ/m2. Sau khi đặt cọc cho 2 hộ đầu tiên thì đơn vị này không tiếp tục thực hiện như đã thoả thuận trong biên bản.
Mọi thoả thuận đang dang dở với Cty Hoàn Mỹ và chưa có hồi kết thì bỗng dưng Cty Domyfeed ngang nhiên mang xe cơ giới đến sang bằng các phần đất của các hộ dân mà không hề thỏa thuận lại hay thực hiện tiếp việc chi trả tiền cho các hộ dân này. Hành vi ngang nhiên chiếm đất, phá hoại tài sản trên đất của dân mà Cty Domyfeed đang thực hiện đã gây nên sự bất bình và phẫn nộ đối với các dân nơi đây. Đó là sự “cướp đất” trắng trợn, thách thức pháp luật của Cty Domyfeed sự vô trách nghiệm của UBND tỉnh khi ra quyết định giao đất cho Cty này mà không có sự khảo sát, thoả thuận hay trao đổi, bàn bạc gì với người dân; , không nghĩ gì đến quyền lợi của cộng đồng người dân sinh sống trong khu vực. Không những thế, Cty Domyfeed còn cho xe cơ giới lấp kênh rạch làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, gây khó khăn trong việc tưới tiêu phục vụ sản xuất của người dân nơi đây.
Có “Bùa hộ mệnh” chống lưng nên Cty Domyfeed xem thường pháp luật?
Hơn 4 năm bức xúc trước việc UBND tỉnh giao đất cho Cty Domyfeed không minh bạch, các hộ dân ở đây đã nhiều lầngửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh nhưng tất cả đều bị bác bỏ đến lạnh lung, thậm chí chìm vào quên lãng, mặc cho người dân mỏi mòn chờ đợi, mỏi mòn kêu than.
Qua xác minh thực tế, chúng tôi được biết, các hộ dân bị lấy đất đều đã có GCNQSDĐ do UBND thị xã Sa Đéc cấp và cho chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất vườn trồng cây ăn trái lâu năm. Số thửa thể hiện trên tờ bản đồ số 05. Thế nhưng UBND tỉnh lại lấy 3.674,4m2 đất giao cho Cty Domyfeed, thuộc thửa số 246, 247 toạ lạc tại xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc (quỹ đất thu hồi chưa sử dụng, giao đất có thu tiền) nhưng lại không có 1 quyết định thu hồi nào, cũng như không họp dân để công bố chủ trương này.
Với việc ra quyết định tuỳ tiện, vô trách nhiệm với người dân mà ông Lê Vĩnh Tân, phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký chính là “bùa hộ mệnh” để Cty Domyfeed ngang nhiên cho xe cơ giới vào đào cuốc, bơm cát sang bằng đất dưới sự bảo vệ của lực lượng cảnh sát cơ động.
Mặc cho tất cả các GCNQSDĐ đều do UBND thị xã Sa Đéc cấp trước đó, nhưng nay UBND thị xã Sa Đéc lại không cấp GCNQSDĐ phần đất trên kênh này cho các hộ dân. Ông Huỳnh Văn Tòng chio biết: Người dân tự bỏ tiền ra mua đất rồi dành ra một phần đất để đào kênh đắp đê bao, hợp tác sản xuất và phải chịu đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế chuyển mục đích, giờ lại bị mất trắng. Hơn nữa, tại thời điểm 1996, địa phương không có chủ trương đào kênh dẫn nước mà dân tự lên kế hoạch đào kênh. Tại tờ bản đồ số 05 đã xác định các thửa đất liền nhau không có kênh Xáng, chỉ có rạch ông Tổng.
Ngoài ra, phần đất 2 bên bờ kênh cũng bị Cty Domyfeed chiếm dụng khi chưa thương lượng xong với các hộ dân. Như vậy tổng diện tích 3.548m2 đất của 5 hộ dân bị mất trắng vào tay Cty Domyfeed.
Thiết nghĩ, trước khi ra một quyết định nào đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cần phải có sự cân nhắc, tính toán. Bởi nếu quyết định đó được ký một cách tuỳ tiện, vô trách nhiệm thì hậu quả mà người dân phải gánh chịu là vô cùng lớn. Vụ việc này là một ví dụ củ thể nhất. Chính vì việc triển khai quy hoạch và thu hồi đất để giao cho đơn vị đầu tư một cách vội vàng, thiếu sự kiểm tra, giám sát, thiếu sự công khai, minh bạch, mà đẩy nhiều hộ dân vào cảnh mất đất, để nhà đầu tư lợi dụng “lá bùa hộ mệnh” của tỉnh, ngang nhiên chiếm đất của dân, gây nên sự bất bình trong nhân dân. Mong rằng trước sự việc nêu trên, chính quyền thị xã Sa Đéc, UBND tỉnh Đồng Tháp nên có hướng giải quyết thoả đáng cho các hộ dân nơi đây nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.