Bây giờ, nhìn lại mình, sẽ thật khó có thể đoán định chúng ta đang đứng ở đâu! Bộ mặt kiến trúc đô thị của Việt Nam đang dần thay đổi với những cái được và chưa được. Một số công trình kiến trúc đẹp, hiện đại. Một số đường phố mới thật khang trang. Thật là hữu hạn. Cái chung và cái phổ biến lại là những công trình kiến trúc chưa đẹp, thị hiếu cầu kỳ, kém thẩm mỹ. Cố vươn lên hiện đại mà thiếu tiềm thức về bản sắc Việt Nam.
Tại sao bây giờ chúng ta thấy đầy rẫy những công trình “giả cổ”, sao chép đủ thứ Đông - Tây - Kim - Cổ? Đó không phải là ý muốn của KTS mà là ý muốn của các “ông chủ” (người quản lý). Ông chủ đó có thể chỉ giữ quyền 5 năm, nhưng sản phẩm kiến trúc ấy sẽ tồn tại lâu dài hơn thế. Vì vậy, không thể để ý tưởng, mong muốn của một cá nhân lãnh đạo có quyền nào đó mà đẻ ra những sản phẩm kiến trúc “chẳng giống ai”, “trọc phú” giữa đô thị hôm nay.
Ở các nước khác, người đứng đầu nhà nước có quyền quyết định. Song bên cạnh họ còn có một đội ngũ cơ quan phản biện độc lập. Vì thế, những quyết định của họ đưa ra bao giờ cũng mang ý nghĩa xã hội cao.
Có dịp đi đường bộ qua một loạt đô thị mới ở miền Bắc, miền Trung cũng như miền Nam ai cũng thấy là không thể phân biệt được nữa. Không nhớ được những nơi mình đã đi qua nữa. Sự giống nhau của các đô thị mới, đường phố mới, trung tâm mới, công trình mới thật thảm hại. Các đô thị phát triển bất chấp các đặc trưng và truyền thống làm tiêu tán nhiều giá trị - văn hoá địa phương. Có KTS còn nói rằng, chúng ta đang cưỡng bức đồng phục hoá các đô thị.
Chính phủ đã ban hành Định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2020. Nhưng đáng buồn là ngay những người lãnh đạo lại có những quyết định đi ngược với định hướng kiến trúc đó. Người ta cứ muốn đặt dấu ấn nhiệm kỳ của mình bằng những công trình bề thế, hoành tráng. Nhưng kiến trúc đâu phải như thế. Đâu phải cứ hoành tráng, cứ “cổ”, “lai Tây” là đẹp, là ghi dấu ấn?!
Thời đại nào thì có nghệ thuật của thời đại ấy. Sao chép là thể hiện sự học đòi, là sự thất bại trong tư duy nghệ thuật của ngay ông chủ và cả KTS đó.
Sẽ là thất bại nếu như mỗi đô thị không tồn tại nét đẹp riêng trên cái gốc truyền thống, văn hoá của mình. Đâu đó những mái chóp của phương tây, những cửa kính khung nhôm xa lạ với môi trường, khí hậu Việt Nam đang tràn lan như một thứ bệnh dịch ở hầu khắp các đô thị. Những khu vực phố cũ, phố cổ cảnh quan thiên nhiên đang có nguy cơ bị chen lấn, xô đẩy bởi thiếu cái nhìn của một quy hoạch tổng thể, thống nhất đa ngành. Thiếu một phương tiện pháp lý cần thiết để quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch. Thiếu ý thức nhận dạng bản sắc văn hoá và trách nhiệm cộng đồng, làm mất đi dáng vẻ truyền thống, thế mạnh của một đô thị cần phải có, nhất là trong xu hướng hiện đại hóa hôm nay.