Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2014, tuy nhiên nhiều công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khả năng "lỡ hẹn" so với kế hoạch đề ra. Điều đáng nói là chỉ vì vướng vài hộ dân nhưng có công trình đã phải kéo dài nhiều năm, vốn đầu tư cũng đội lên nhiều lần so với ban đầu.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa chậm tiến độ, vừa đội vốn cao.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nay đổi tên là Phạm Văn Đồng, thuộc dự án BT (xây dựng - chuyển giao), có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là Công ty GS E&C Hàn Quốc. Với tổng chiều dài 13,6km, tổng vốn đầu tư hơn 340 triệu USD, tuyến đường này đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Sau khi hoàn thành, dự án (DA) sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ đông bắc thành phố, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến các KCN ở tỉnh Bình Dương và thúc đẩy sự phát triển trung tâm đô thị vệ tinh TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù có vai trò quan trọng như trên nhưng đến nay DA này vẫn đang "ì ạch" về đích. Cụ thể, DA được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 1997. Nhưng đến năm 2005, UBND TP Hồ Chí Minh mới có quyết định điều chỉnh phương án tuyến và đến năm 2008 mới ra quyết định thu hồi đất. Vì vậy, đến giữa năm 2008 DA mới tiến hành khởi động. Thế nhưng, trong quá trình thi công, đến năm 2011, thành phố lại ra quyết định điều chỉnh diện tích thu hồi đất. Hơn hai năm sau đó, cuối tháng 9-2013, DA mới hoàn thành và thông xe đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến cầu Bình Triệu - quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) dài 4,7km. Như vậy, để hoàn thành gần 5km đường, DA phải mất…
16 năm kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, DA vẫn còn dang dở. Cụ thể, khối lượng thi công phần cầu và đường mới đạt hơn 87%; phần đường và thoát nước đạt gần 75% khối lượng. Nguyên nhân chính là vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đơn cử, quận Tân Bình vướng 17 hộ, quận Gò Vấp có 48 hộ chưa bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất giá đền bù. Trước đó, thành phố dự kiến bàn giao mặt bằng "sạch" vào tháng 10, thế nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao.

Sở GTVT vừa có văn bản gửi lên UBND thành phố xin lùi thời điểm bàn giao vào tháng 12-2014. Về tiến độ dự kiến đề ra đối với 7,1km còn lại (đoạn nút giao Trường Sơn - Nguyễn Thái Sơn và các hạng mục khác), Công ty GS E&C Hàn Quốc đề nghị đến ngày 30-8-2015 hoàn thành nhưng UBND thành phố chỉ đạo phải hoàn thành trước ngày 15-2-2015. Như vậy, hiện vẫn chưa thể biết chính xác thời điểm nào mới hoàn thành DA.

Cùng cảnh ngộ, DA xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2020 thay vì cuối năm 2015 như phương án được duyệt ban đầu. Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng chậm hơn hai năm, tức là tới năm 2020 mới đi vào vận hành, khai thác. Điều đáng nói, tại DA metro số 1, trong khi công tác GPMB đã hoàn thành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) còn 2 doanh nghiệp chưa bàn giao mặt bằng. UBND tỉnh Bình Dương cam kết sẽ bàn giao sớm nhưng ngày cụ thể thì không nêu.

Tương tự, DA mở rộng Tỉnh lộ 10B (thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) có chiều dài gần 6km, đã thi công xong 5,5km. Chỉ còn lại 370m thuộc gói thầu số 10a (huyện Bình Chánh) và 70m thuộc gói thầu số 12b (đoạn từ đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương đến đường Nguyễn Cửu Phú) nhưng không thi công được, phải tạm dừng từ tháng 1-2014 đến nay do chưa có mặt bằng. Đáng nói là DA đã đội vốn lên gần 552 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư ban đầu là 346 tỷ đồng) chỉ vì 370m bị ngừng lại này. Nguyên nhân là do còn 5 hộ dân ở quận Bình Tân và 84 hộ ở huyện Bình Chánh vẫn chưa chịu giao mặt bằng.

Ngay cả "siêu" DA mở rộng xa lộ Hà Nội cũng bê bết. Tính đến thời điểm này, DA mở rộng xa lộ Hà Nội hiện vẫn còn 164 hộ (162 hộ ở quận 9, 2 hộ khác thuộc tỉnh Bình Dương) chưa bàn giao mặt bằng. Chưa nói toàn bộ DA, chỉ riêng một DA thành phần của "siêu" DA trên là nút giao thông cổng chính Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã phải đội vốn từ hơn 250 tỷ đồng lên 456 tỷ đồng vì chờ bàn giao mặt bằng. Theo kế hoạch ban đầu, DA thực hiện năm 2008 và hoàn thành năm 2012, nhưng đến nay mới chỉ thi công được một đoạn ngắn.

Trước nỗi lo đội vốn, lãng phí ngân sách, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các quận, huyện có DA đi qua giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp còn tồn đọng, kể cả giải quyết khiếu nại và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công đúng tiến độ. - "Mọi chậm trễ nếu để kéo dài hơn nữa, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm!" - Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã quyết liệt chỉ đạo như vậy!

Gia Bảo (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.