Đôla Mỹ đã yếu đi trong phần lớn nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Nguyên nhân là Mỹ giảm thuế, tăng thâm hụt ngân sách và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần hạ lãi suất.
Tuy nhiên, kể cả khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử, đôla Mỹ cũng sẽ khó bật lại sớm. Vì chính quyền Biden có thể sẽ tung ra nhiều gói kích thích hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong đại dịch. Việc này sẽ đặc biệt thuận lợi nếu đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.
Biden cũng có thể thúc đẩy tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng, cũng như đầu tư cho các chương trình điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng xanh khác. Số tiền chi ra này sẽ ăn mòn phần nguồn thu tăng lên từ việc xóa bỏ chính sách giảm thuế của Trump.
Các khoản chi này có thể sẽ khiến đôla còn yếu hơn, hoặc ít nhất là vẫn duy trì ở mức hiện tại. "Việc đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội có thể là tin tiêu cực với đồng bạc xanh, do gói kích thích quy mô lớn hơn của họ sẽ làm tăng áp lực lạm phát", Lukman Otunuga - nhà phân tích cấp cao tại FXTM cho biết.
Một phụ nữ đang đếm đôla tại Argentina năm 2018. Ảnh: Reuters
Dù vậy, một số chuyên gia tiền tệ cho biết đôla Mỹ vẫn có thể mạnh lên nếu Biden thắng cử và khôi phục lại các chính sách thương mại thông thường. Ông có quan điểm hòa hoãn hơn về thuế nhập khẩu với các đồng minh như châu Âu, Mexico và Canada. Đây sẽ là tin tốt với đồng đôla.
Chính quyền Biden cũng có thể sử dụng chính sách ngoại giao đa phương với Trung Quốc, coi đây là biện pháp chính để giải quyết các vấn đề kinh tế, ngoài thương mại, như bản quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, thực tế vẫn là tăng chi tiêu công sẽ khiến đôla chịu sức ép giảm, dù chính sách ngoại giao của Mỹ là gì. Trong một báo cáo đầu tuần này, các chiến lược gia tại BlackRock Investment Institute dự báo nếu Biden thắng, "tăng trưởng sẽ cao hơn nhờ tăng kích thích tài khóa, chính sách thương mại và ngoại giao của Mỹ dễ đoán hơn và đồng đôla sẽ yếu đi".
Fed cũng có thể đóng vai trò trong việc này. Ngày càng nhiều người kêu gọi chính quyền mới, dù là Biden hay Trump, tái bổ nhiệm Jerome Powell làm chủ tịch Fed. Nhiệm kỳ hiện tại của ông sẽ kết thúc vào tháng 2/2022. Ông có thể được tái bổ nhiệm năm tới để có đủ thời gian được Thượng viện phê duyệt.
Nếu Powell tiếp tục đảm nhận vị trí này, nhà đầu tư có thể dự báo lãi suất được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Việc này sẽ càng tăng sức ép lên đồng đôla.
Dolla Index - đo sức mạnh của đồng bạc danh với bảng Anh, yen Nhật và 6 tiền tệ lớn khác - đã giảm hơn 7% kể từ khi Trump nhậm chức năm 2017. Đầu năm nay, đôla Mỹ tăng mạnh trong thời gian ngắn, trước khi Covid-19 xuất hiện tại đây. Tuy nhiên, đồng tiền này đã mất giá 3% năm nay.
Đây không phải là tin tồi tệ với nhà đầu tư, do đôla giảm là một trong những yếu tố tăng cường sức mạnh cho các đại gia công nghệ và công ty đa quốc gia. Đôla yếu làm lợi cho các công ty như Apple, Coca-Cola và Procter & Gamble, do sản phẩm của họ rẻ hơn ở các thị trường ngoài Mỹ. Về mặt kế toán, các công ty này cũng hưởng lợi, do doanh thu cao hơn khi đổi từ ngoại tệ về đôla.
Tuy nhiên, đồng đôla vẫn là công cụ trú ẩn trong thời kỳ biến động. Khi thế giới vẫn đang hồi phục từ đại dịch, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng kỷ lục trong quý III. Đây là lý do chủ chốt khiến đồng bạc xanh có thể không giảm sâu thêm, kể cả trong trường hợp một trong hai ứng cử viên tổng thống kiện kết quả bầu cử.
"Tôi nghi ngờ việc đồng đôla sẽ giảm thêm. Tôi dự báo diễn biến sẽ ổn định", Phil Toews - CEO hãng quản lý tài sản Toews Corp cho biết trên CNN, "Nhiều nơi trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc kiểm soát đại dịch".
-
100 tỉ USD ngoại hối: Điểm sáng từ xuất khẩu
Dự trữ ngoại hối lần đầu tiên hướng tới mốc 100 tỉ USD trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.