Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc cho rằng, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi bằng VND là bước tiếp theo nhằm dọn dẹp thị trường tín dụng nhằm tiến tới xóa bỏ trần lãi suất tín dụng.

Vừa qua ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 1%, ông đánh giá thế nào về quyết định này?


- Theo cảm nhận của cá nhân tôi thì thấy đang có hàng loạt động tác dọn dẹp thị trường tín dụng như phân ra các nhóm tín dụng, xác định tỷ lệ tín dụng, xiết chặt cho vay uỷ thác ... có lẽ để tiến tới quyết định quan trọng bỏ trần lãi suất trong thời gian tới.


Giảm trần lãi suất cũng là động thái tiến tới bỏ trần lãi suất. Nếu đúng như tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, mỗi quý sẽ giảm trần lãi suất 1% thì việc bỏ trần lãi suất được dự báo sẽ diễn ra vào cuối năm nay.


Việc hạ trần lãi suất 1% theo ông sẽ tác động như thế nào tới kinh tế hiện nay?


- Tôi hy vọng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản sẽ đón nhận được tác động tích cực từ quyết định này. Do lãi suất tiền gửi giảm, một nguồn tiền thay vì gửi vào ngân hàng, sẽ chuyển sang thị trường chứng khoán và bất động sản, làm cho các thị trường này ấm lên.


Dọn dẹp thị trường để bỏ trần lãi suất

Thị trường bất động sản ấm lên sẽ tác động làm tốt cho giải quyết nợ xấu. Hiện có nhiều DN nhỏ và vừa đang có những khoản nợ xấu với các ngân hàng, nhưng vừa qua ngân hàng không thể phát mãi tài sản cầm cố là bất động sản của các DN này vì quá nhiều. Nay khi thị trường bất động sản ấm lên, các DN có thể bán những tài sản này và thanh toán nợ cho ngân hàng, như vậy nợ xấu sẽ giảm.

Tuy nhiên có điều cần quan tâm là thanh khoản của các ngân hàng nhỏ vẫn khó khăn, nhất là các ngân hàng nhóm 4 với thanh khoản yếu và nợ xấu cao. Trong khi người dân chỉ gửi tiền vào ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn trong huy động, dễ dẫn đến phá rào để tồn tại, gây ra tình trạng có 1 lãi suất chính thức và nhiều lãi suất phi chính thức, làm cho thị trường tiền tệ trở nên không minh bạch và lòng tin của người dân sẽ bấp bênh.


Quyết định hạ trần lãi suất 1% cũng chưa giúp hạ được lãi suất cho vay xuống thấp, trong khi DN đang thiếu vốn. Thực tế hiện nay có tình trạng là các DN tốt chỉ vay ngắn hạn và tìm cách trả nhanh vì lo sợ lợi nhuận giảm, các DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay và cũng không ngân hàng nào dám cho vay, chỉ biết đứng nhìn sản lượng kinh doanh suy giảm, phá sản. Trong nền kinh tế mà DN không dám nghĩ đến đầu tư trung và dài hạn, thì làm sao có đủ khả năng để cạnh tranh trong tương lai gần


Với nhận định như vậy, theo quan điểm của ông việc giảm trần lãi suất có cần thiết?


- Theo tôi, việc giảm trần lãi suất là không cần thiết, tốt nhất là bỏ trần lãi suất. Hiện đã có những điều kiện chín muồi để ra quyết định này như tăng trưởng tín dụng được khống chế chặt chẽ, nhu cầu về vốn của DN đang rất thấp. Chỉ có cân nhắc 1 chút về thanh khoản của các ngân hàng nhỏ.


Bỏ trần lãi suất, khi đó ngân hàng khó khăn thanh khoản sẽ tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên các ngân hàng này do cần tiền để đáp ứng cho thanh toán tiền gửi và các khoản nợ trên thị trường liên ngân hàng, sau khi huy động đủ sẽ dần hạ lãi suất xuống. Như vậy chỉ 1 thời gian ngắn các ngân hàng nhỏ sẽ hồi phục. Sự hồi phục ở đây là nhờ thị trường chứ không phải là nhờ sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng Trung ương, dẫn đến áp lực cung tiền sẽ giảm.


Khi đó trên thị trường hình thành 2 loại lãi suất, ngân hàng lớn rủi ro thấp, lãi suất thấp, ngân hàng nhỏ rủi ro cao, lãi suất cao, định giá thị trường về lãi suất sẽ phù hợp với các ngân hàng.


Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình cho biết hiện nay thanh khoản của các ngân hàng đã tốt lên, theo ông có đúng như vậy?


- Hiện nay thanh khoản của ngân hàng tốt lên rồi. Theo tôi, lãi suất có hạ hay không, không chỉ phụ thuộc vào lạm phát mà còn phụ thuộc chủ yếu vào thanh khoản của các ngân hàng. Thanh khoản được cải thiện thì lãi suất hạ là điều chắc chắn.


Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà Nước đã giải quyết được 1 phần khó khăn thanh khoản của ngân hàng bằng 1 số giải pháp như tăng cung tiền, điều hoà vốn từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu, ngân hàng lớn hỗ trợ ngân hàng nhỏ; sắp tới có thể sử dụng tín phiếu ngân hàng Trung ương. Đây là công cụ hữu hiệu để có thể hút vốn thừa từ ngân hàng thừa về và có phương tiện hỗ trợ thanh khoản ngân hàng yếu mà không phải chịu rủi ro kiểm soát lượng tiền cung ứng.


Thực tế theo dõi của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy dư nợ, nợ xấu trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh. Nhiều ngân hàng nhỏ đã thanh toán được khoản nợ với các ngân hàng lớn và ngân hàng Trung ương, tuy nhiên mới chỉ giải quyết được 1 phần. Thanh khoản ngắn đã có cải thiện đáng kể, nhưng thanh khoản dài hạn vẫn cần có thời gian để giải quyết.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh