05/02/2018 1:10 PM
Với tổng kinh phí cho dự án 377 tỉ đồng trong khi khu đất hơn 38.000m2 này được cho không dưới 600 tỉ đồng, dư luận đang quan tâm việc đổi đất "vàng" để xây một trung tâm hội nghị hoành tráng liệu có gây lãng phí hay không?

Vị trí này dự kiến trở thành trung tâm hội nghị mới của Quảng Ngãi - Ảnh: Trần Mai

Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý với đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hợp Nghĩa xây dựng trung tâm hội nghị 1.000 chỗ ngồi với kinh phí 377 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Điều mà dư luận băn khoăn là tỉnh hiện đang sở hữu đến hai trung tâm công ích công cộng, đủ năng lực để tổ chức các sự kiện chính trị của địa phương. Việc đổi đất "vàng" để xây một trung tâm hội nghị (TTHN) hoành tráng liệu có gây lãng phí hay không?

Tổng kinh phí 377 tỉ đồng

Theo quy hoạch phê duyệt, dự án TTHN này có mục tiêu dùng để tổ chức các cuộc họp và sự kiện quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, TTHN được đặt tại khu đất rộng 137.000m2 ở phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi) với quy mô xây dựng 4 tầng gồm một hội trường sức chứa 1.000 chỗ ngồi cùng 4 phòng hội thảo nhỏ, 8 phòng ăn có sức chứa từ 50-400 chỗ.

Ngoài diện tích xây dựng, phần đất còn lại là quảng trường, bãi giữ xe, cây xanh... Tổng kinh phí cho dự án này là 377 tỉ đồng.

Trong khi đó, Quảng Ngãi đang sở hữu đến hai trung tâm công ích công cộng gồm TTHN nằm trong khách sạn Cẩm Thành (thuộc quyền quản lý của tỉnh Quảng Ngãi, vừa được đầu tư xây dựng 99 tỉ đồng vào năm 2015) và một tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh.

Đặc biệt mới đây, Chính phủ đã thống nhất chi thêm 40 tỉ đồng để nâng cấp Nhà văn hóa Lao động. Theo một nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, xưa nay địa phương này rất ít có cuộc họp tập trung cả 1.000 người.

"Nếu có thì cũng chỉ là đại hội Đảng, các đại hội của tổ chức đoàn thể... nhưng cũng phải tận 5 năm mới tổ chức một lần. Vì vậy Quảng Ngãi chưa có nhu cầu thực sự để xây dựng một TTHN hoành tráng đến như vậy" - vị này nói.

Đã được thường vụ thông qua

Theo ông Trần Ngọc Căng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phương thức thanh toán mà Ban thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua đó là sử dụng quỹ đất và quỹ nhà công sản (nếu thiếu) để khấu trừ cho nhà đầu tư.

Theo đó, trong tổng diện tích hơn 137.000m2, trừ đi phần đất làm TTHN, hạ tầng giao thông.... Quỹ đất còn lại khoảng 38.000m2 sẽ giao lại cho nhà đầu tư để khai thác nhà ở và thương mại.

Nhiều công trình dân sinh khác cần được đầu tư

Theo ông Võ Đức Huy - nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh nên hết sức cân nhắc trước khi cho phép dự án này triển khai. Cân nhắc trên nhu cầu thực tế bởi các vùng núi, nông thôn lẫn hải đảo ở Quảng Ngãi có rất nhiều công trình kinh tế - xã hội cần được quan tâm đầu tư hơn.

Cũng theo ông Huy, hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành rà soát để sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập trong quá trình thực hiện đối với các dự án BT, "vì vậy trong bối cảnh này chúng ta nên thận trọng" - ông Huy nói.

Trên thực tế đây là khu đất trung tâm, rất đắc địa nên được giới bất động sản coi là khu đất "vàng" với giá đất đang giao dịch trên thị trường khá cao, "nếu đem phân lô để bán thì khu đất hơn 38.000m2 này sẽ mang lại không dưới 600 tỉ đồng" - một người trong giới bất động sản ở TP Quảng Ngãi tiết lộ.

Liên quan đến vấn đề mà dư luận băn khoăn trên, Tuổi Trẻ đã liên hệ với bà Bùi Thị Quỳnh Vân - chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi - để hỏi quan điểm, tuy nhiên bà Vân cho biết: "Chủ trương lẫn phương thức thanh toán đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua.

Tôi cũng là thành viên của ban thường vụ, nên cái nào thường vụ đã quyết thì mình phải chấp hành, thực hiện theo. Nếu chủ trương này đang xin ý kiến thì HĐND có thể đưa ra quan điểm".

Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, ông Lê Viết Chữ - bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - cho rằng: "Tôi cũng muốn có thông tin cho báo chí nhưng cuối năm nhiều việc quá, tôi sẽ có thông tin về TTHN này trong cuộc gặp mặt báo chí cuối năm".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Chánh - giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi - thừa nhận: "Có nghe thông tin dư luận phản ảnh về dự án TTHN này sẽ gây thất thoát khi chi trả bằng quỹ đất. Nếu làm không chuẩn, không có sự liên kết với nhau giữa các cơ quan thì dứt khoát điều này có thể xảy ra".

Vì vậy theo ông Chánh, trước khi triển khai dự án cần phải xác định giá đất theo thị trường để chi trả cho nhà đầu tư và phải minh bạch.

Chi 150 tỉ đồng để mở đường vào dự án

Ngay sau khi chủ trương được thông qua, lập tức nhà đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hợp Nghĩa) đã có văn bản đề nghị tỉnh lập hồ sơ thủ tục mỏ cát phục vụ đầu tư dự án theo hình thức BT.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi thống nhất việc Công ty Hợp Nghĩa được phép khảo sát, lập thủ tục khai thác các mỏ cát trên sông Trà Khúc để phục vụ dự án.

Ngoài ra, chính quyền Quảng Ngãi cũng có công văn thống nhất chi 150 tỉ đồng từ ngân sách trong năm 2018 để kéo dài 3 tuyến đường gồm Phan Bội Châu, Tôn Đức Thắng, An Dương Vương cùng một tuyến đường quy hoạch nằm giữa khu TTHN, quảng trường và khu đất ở phía trục đường Hai Bà Trưng để đồng bộ với việc thực hiện dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả dự án.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Trần Mai (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.