Những ngày này, người dân vùng kinh thành Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bàn tán nhiều về thông tin di dời 4.200 hộ dân khu vực 1 kinh thành Huế.
Hai phương án tái định cư
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, đơn vị phụ trách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư (TĐC) của đề án - đơn vị đã tiến hành khảo sát thực tế kỹ lưỡng để có những thống kê bước đầu chính xác nhất về hiện trạng dân cư.
Giai đoạn 1 (năm 2019-2021), theo số liệu điều tra, có đến 2.938 hộ với gần 11.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó gồm 1.532 hộ chính, 1.406 hộ phụ; hơn 240 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Các hộ dân này đang sử dụng gần 40 ha đất di tích; 1.800 căn nhà cấp 3 và cấp 4 với diện tích phải giải tỏa lên đến 100.000 m2.
Cũng theo ông Tuấn, nhằm đề xuất những chính sách đặc thù trong bồi thường, đơn vị đã thống kê số lượng các hộ dân đến sinh sống ở đây theo 4 giai đoạn: trước năm 1976, từ ngày 19-5-1976 đến tháng 10-1993, từ năm 1993-2004 và sau năm 2004 đến nay.
Về TĐC, dự kiến chọn khu vực phía Bắc phường Hương Sơ (TP Huế) rộng 73 ha, chia thành 3.526 lô (gồm 20% dự phòng), diện tích từ 60-200 m2/lô để phân cho các hộ dân. Khu đất TĐC nằm dọc tuyến đường quy hoạch rộng 60 m, ưu tiên phát triển các quỹ đất công cộng, dịch vụ, thương mại và một số chức năng sử dụng khác, dự trữ quỹ đất để kêu gọi đầu tư. "Khu này cách điểm gần nhất kinh thành Huế khoảng 1,8 km, người dân sẽ dễ hòa nhập hơn sau khi đến ở. Mặt khác, sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến trình đô thị hóa phát triển về phía Bắc TP Huế, đồng thời kết nối với các khu vực khác, tạo nên bộ mặt đô thị sôi động trong tương lai. Với quy hoạch dự kiến như vậy, các hộ sẽ có tối thiểu một lô đất TĐC trong giai đoạn đầu. Có 2 phương án: bố trí đất hoặc xây nhà TĐC, tùy theo nhu cầu và đối tượng ảnh hưởng" - ông Tuấn thông tin.

Những căn nhà tạm bợ bên kinh thành Huế
Bảo tồn và phát huy giá trị
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết khu vực kinh thành Huế rộng hơn 500 ha, gồm hệ thống các công trình kiến trúc phối thuộc, quan hệ rất mật thiết. Từ trước đến nay có hơn 1.000 hộ dân đã được di dời để trùng tu, bảo tồn di tích. Sau khi di dời dân cư đợt này sẽ triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hoặc phục hồi theo các yếu tố gốc trên cơ sở khai thác các tư liệu lịch sử và kết quả thám sát khảo cổ học. Đồng thời có giải pháp nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể các điểm di tích, tạo sự đồng bộ và cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đầu tư có sự tham gia của cộng đồng dân cư xung quanh hoặc các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhằm phát huy giá trị di tích.
Trong đó, dự kiến bờ Nam kinh thành (hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng được 70%) đề xuất tổ chức dịch vụ khai thác tuyến du lịch thượng thành và tham quan đời sống người dân trong thành nội. Trước mắt tổ chức trưng bày và khai thác tuyến du lịch thượng thành. "Điểm nhấn là Quan Tượng Đài, nơi có thể trưng bày, giới thiệu về trung tâm dự báo khí tượng thủy văn lúc xưa. Các vọng lâu cổng thành có thể bố trí điểm dừng chân của khách du lịch, tổ chức các tour du lịch theo tuyến phòng lộ và tuyến đường thủy" - ông Tuấn phân tích.
Đối với đàn Xã Tắc được trùng tu sẽ góp phần cải thiện cảnh quan môi trường và phục hồi nghi lễ quốc gia trước đây để cộng đồng cùng tham gia. Di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải và các công trình kiến trúc được bố cục bên trong kinh thành Huế, sẽ tạo nền tảng để phát huy một số hoạt động vốn có dưới triều Nguyễn nhằm thu hút du khách. "Có thể là một buổi thiết triều đơn giản, nơi nghỉ ngơi, lưu trú theo kiểu hoàng gia, một buổi tiệc đón khách cao cấp, hay đơn giản chỉ là một bữa ăn trên thuyền, câu cá, chèo thuyền" - ông Tuấn nói.
Với khu vực Lục bộ, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ từ, Quốc Tử Giám, Viện Cơ mật..., sẽ đề xuất xây dựng quy hoạch tổng thể để kết nối đồng bộ các hoạt động khai thác phát huy giá trị theo hướng kiến tạo một không gian dịch vụ tĩnh chủ yếu về đêm, qua đó vẫn thể hiện được tính văn hóa đặc trưng của vùng đất cố đô.
Khoanh vùng bảo vệ di tích Dự kiến kế hoạch sẽ giải tỏa, chỉnh trang và điều chỉnh phạm vi khoanh vùng bảo vệ một số điểm di tích để ổn định cuộc sống của người dân, nhất là tại khu Lục Bộ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tham gia khai thác dịch vụ, cùng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. |








-
Hải Phòng tính “bung hàng” hơn 4.100 căn chung cư công, kỳ vọng thu về 4.500 tỷ đồng
TP Hải Phòng đang lên kế hoạch “bung hàng” hơn 4.100 căn hộ chung cư thuộc tài sản công, mở ra cơ hội sở hữu nhà ở cho hàng nghìn hộ dân và thu về khoảng 4.500 tỷ đồng để tái đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng....
-
Người dân có phải nộp tiền chênh lệch khi giá đền bù thấp hơn giá khu vực tái định cư?
Xin hỏi, khi bồi thường thu hồi đất, giải phóng mặt bằng một số hộ dân được giao đất tái định cư nhưng giá dự định đền bù thấp hơn so với khu vực tái định cư thì người dân có phải nộp tiền chênh lệch không?...
-
Phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất
Đó là một trong những nội dung tại Nghị quyết số 37 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chí...