Cuối năm 2009, công ty nhà Bình Dân được UBND TP.HCM giao 1ha đất để thực hiện dự án phân lô bán nền do công ty làm chủ đầu tư ở P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Tháng 3.2010, công ty đã được thông báo giá trị TSDĐ phải nộp là trên 57 tỷ đồng. Tính ra mỗi m2 đất, công ty Bình Dân phải nộp TSDĐ 6,2 triệu đồng.
Xin giao lại dự án!
Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc công ty Bình Dân, cho rằng mình là nạn nhân của chính sách thu TSDĐ bất hợp lý. 2 năm nay công ty ông không nộp được TSDĐ vì số tiền trên quá nhiều, đóng không nổi. Do số tiền quá lớn, công ty đã rút hồ sơ lại không dám đưa lên Sở Tài chính.
Ông Tú cho biết theo các tính hiện nay, TSDĐ được áp theo giá thị trường khi Sở Tài chính lấy giá bán đất nền thương mại hiện nay là 8,5 triệu đồng/m2, nhưng chi phí khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng cho DN lại áp theo giá đất nông nghiệp, với mức 400.000 đồng/m2. Trong khi thực tế ông phải đi mua đất nông nghiệp với giá 2 triệu đồng/m2. Không những thế, quy định hiện nay chỉ cho phép DN được lợi nhuận 14%. Trong khi dự án làm 4 - 5 năm, tính ra mỗi năm DN chỉ được lời 2,8%. Theo tính toán của ông Tú, tổng doanh thu của dự án khoảng 60 - 70 tỉ, nếu thu TSDĐ 57 tỉ cộng với chi phí giải phóng mặt bằng thì DN đóng không nổi.
Hầu hết các DN đều đầu tư dự án bán trước, nộp TSDĐ sau, dẫn đến số tiền nộp vượt quá kế hoạch.
Lãnh đạo một công ty địa ốc cho rằng khi thị trường nhà đất sôi động, các dự án có thể bán ra giá cao và do đó Nhà nước cũng thu được TSDĐ cao, nhưng nay thị trường gặp khó khăn, dự án bán không được, buộc DN phải cắt giảm lợi nhuận, giảm giá bán. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước phải thất thu TSDĐ. Nhưng cả khi thị trường tốt, nếu đóng TSDĐ theo phương án hiện nay cũng không tạo được sự công bằng, bởi Nhà nước luôn đưa ra số TSDĐ quá cao, và việc chiết khấu bất hợp lý.
Các DN cho biết nếu Nhà nước vẫn áp dụng cách tính TSDĐ như hiện nay thì xin giao lại dự án cho Nhà nước. “Tôi xin giao dự án cho Nhà nước, chứ bắt nộp TSDĐ như hiện nay thì không nộp nổi. Còn nếu không tôi xin đóng TSDĐ bằng đất. Chứ nếu không đóng tiền mà tịch thu dự án cũng tội tôi, bởi thực tế nhà nước chỉ cho tôi quyết định giao đất, còn để có dự án tôi phải bỏ tiền ra làm hết”, đại diện một DN nói.
Chỉ DN làm sai mới... kêu
Hiện Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) đã kiến nghị Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan sửa đổi ngay việc thu TSDĐ các dự án BĐS. Bởi theo các quy định này, DN vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng (thực chất là mua đất của dân theo giá thị trường), vừa phải nộp TSDĐ (thực chất là mua lại một lẫn nữa) của Nhà nước theo giá thị trường. Điều này góp phần đẩy mặt bằng giá BĐS ở Việt Nam lên cao so với các nước trong khu vực.
Song ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá Sở Tài chính TP, cho rằng việc tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường là đúng với các quy định về phương pháp thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành. Về nguyên tắc, TSDĐ được tính khi có quyết định giao đất. Nghĩa là khi UBND TP có quyết định giao đất cho DN, lúc đó dự án chưa hình thành, DN mới nộp hồ sơ xin nộp TSDĐ để nộp TSDĐ trước. Căn cứ vào đó, Sở Tài nguyên và Môi trường mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và DN xin phép xây dựng làm dự án. Khi đó DN sẽ hoạch toán được giá đầu vào để đưa ra phương án kinh doanh và mức giá phù hợp. Các dự án vướng mắc hiện nay là khi DN có quyết định giao đất từ lâu mà không chịu nộp, cứ xây dựng kế hoạch kinh doanh trước mới đi làm hồ sơ nộp TSDĐ sau. Nhưng với cách tính như hiện nay TSDĐ sẽ rất cao và như vậy sẽ rất dễ bị bể kế hoạch kinh doanh, nhất là với những dự án bỏ ra chi phí đền bù cao. Nếu chiếu theo DN thì Nhà nước không thu được đồng nào.
Ông Chiến còn cảnh báo, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN lao đao bởi quy định phạt đối với các DN chậm nộp TSDĐ là 0,05%/ngày, tức 18%/năm. TSDĐ được xác định tại thời điểm giao đất, nghĩa là khi có quyết định giao đất là Nhà nước tính tiền. Nhưng hiện nay nhiều DN xây dựng dự án trước mới nộp hồ sơ đóng TSDĐ, số tiền phạt chậm nộp là rất lớn.