18/10/2022 9:27 AM
Bức tranh kinh doanh quý 3.2022 của các doanh nghiệp ngành thép đang dần được hé lộ với những khoản lỗ lớn trong bối cảnh thị trường tiếp tục ảm đạm.

Mùa báo cáo tài chính quý 3.2022 vừa mới bắt đầu, đã có nhiều doanh nghiệp rục rịch công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, bên cạnh những doanh nghiệp báo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt thì cũng có không ít doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong quý này.

Với ngành thép, sau khi thắng lớn trong năm 2021, các doanh nghiệp trong ngành này đang bước vào giai đoạn bên kia sườn dốc của chu kỳ kinh doanh.

Kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm gánh nặng chi phí, khiến các doanh nghiệp thép ghi nhận mức lỗ lớn

Chưa hết khó khăn

Tiêu thụ chậm, giá thép quay đầu giảm trong khi tồn kho giá cao, chi phí sản xuất tăng khiến các doanh nghiệp thép đối mặt với kết quả kinh doanh “thê thảm” trong quý 3.2022.

Sau giai đoạn tăng nóng từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước đã quay đầu giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8.2022, với mức giảm khoảng 6 triệu đồng/tấn.

Cuối tháng 9, giá thép tăng trở lại sau nhiều lần hạ giá với mức tăng khoảng 2 triệu đồng lên 15-16,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đến 12.10, giá thép lại giảm 3 lần liên tiếp đưa về mức khoảng 14,5-15,5 triệu đồng/tấn.

Sự không ổn định của giá thép khiến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phân phối mặt hàng này bị ảnh hưởng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép liên tục giảm trong thời gian qua là giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh cùng với hàng tồn kho còn nhiều buộc doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng.

Mặc khác, sản xuất thép trong nước vẫn tăng trong khi lượng sản lượng thép bán được đang có xu hướng giảm.

Sản xuất thép vẫn tăng trong khi lượng sản lượng thép bán được đang có xu hướng giảm mạnh

Hiện nhu cầu sử dụng thép trong nước đang ở mức thấp, xuất khẩu giảm mạnh do giá cao hơn giá khu vực. Cụ thể, trong tháng 9.2022 sản lượng thép xây dựng có sự phục hồi, đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23,4% so với tháng 8 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, sản lượng bán hàng chỉ đạt gần 2 triệu tấn, giảm 7,2 % so với tháng trước và giảm gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó, bán hàng thép xây dựng ở mức 920.248 tấn, giảm gần 22% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong giai đoạn này, giá nguyên liệu sản xuất thép cũng biến động mạnh, khiến các doanh nghiệp thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Trước bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép được dự báo cũng sẽ sụt giảm mạnh so với mức đỉnh của cùng kỳ.

Doanh nghiệp thép lỗ nặng

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3.2022 với kết quả không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ.

Công ty cổ phần Thép Thủ Đức - VnSteel (Mã: TDS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3.2022, với kết quả làm ăn sa sút.

Thép Thủ Đức báo lỗ gần 22 tỉ đồng trong quý 3.2022

Cụ thể, trong quý 3, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hơn 412 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn, kèm theo hàng loạt chi phí đều tăng, khiến doanh nghiệp này bị lỗ ròng sau thuế xấp xỉ 21 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi gần 5 tỉ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ song chi phí tài chính tăng mạnh gấp gần 4 lần chủ yếu là chi phí lãi vay; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi dẫn đến kết thúc kỳ doanh nghiệp thép này lỗ 29,5 tỉ đồng.

Được biết, trong khi cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp thép này chỉ lỗ 644 triệu đồng, tương đương với mức lỗ lớn gấp 34 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý thua lỗ nhiều nhất của Thép Thủ Đức kể từ khi cổ phần hoá (năm 2008).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Thép Thủ Đức lỗ 15,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi sau thuế hơn 46 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu do đó giảm từ 297 tỉ đồng còn 276 tỉ đồng.

Tính đến ngày 30.9, tổng tài sản của Thép Thủ Đức là 492 tỉ đồng, giảm 13% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho hơn 420 tỉ đồng, chiếm hơn 85% tổng tài sản của công ty. Con số này tương đương với con số đầu năm, chứng tỏ hàng hóa tiêu thụ kém.

Phía Thép Thủ Đức cho biết, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường.

Trong khi đó, giá bán không đủ bù đắp giá vốn đã làm lợi nhuận gộp trong quý 3 của công ty bị lỗ. Ngoài ra, do nhu cầu thép xây dựng liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản cùng với chi phí lãi vay, ngân hàng siết room tín dụng cũng là gánh nặng cho công ty trong giai đoạn này.

Thép Vicasa báo lỗ kỷ lục gần 22 tỉ đồng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành thép

Tương tự, một công ty khác trong nhóm VNSteel là Thép Vicasa - VnSteel (Mã: VCA) cũng báo lỗ kỷ lục gần 22 tỉ đồng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành thép vì giá và nhu cầu tiêu thụ đi xuống.

Cụ thể, Thép Vicasa ghi nhận doanh thu trong quý 3 đạt hơn 477 tỉ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, công ty kinh doanh với dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 10 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 12 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều chi phí đều tăng cao so với cùng kỳ khiến cho Thép Vicasa lỗ trước thuế xấp xỉ 24 tỉ đồng và lỗ sau thuế gần 22 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi sau thuế gần 2 tỉ đồng. Đây cũng là mức thua lỗ kỷ lục theo quý của doanh nghiệp thép này kể từ khi lên sàn chứng khoán.

So với quý 3.2021, sản lượng tiêu thụ sản phẩm của Thép Vicasa rất ít, giá giảm mạnh, hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng do hàng hóa luân chuyển chậm, lãi suất vay tăng đã tác động đến kết quả trong giai đoạn này của công ty.

Lũy kế 9 tháng, Thép Vicasa ghi nhận doanh thu đạt 1.834 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 13 tỉ đồng, trái ngược với cùng kỳ lãi 42 tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 9.2022, tổng tài sản của Thép Vicasa là 530 tỉ đồng, giảm 8% so với ngày đầu năm. Trong đó 377 tỉ đồng là hàng tồn kho, chiếm hơn 70% tổng tài sản và không thay đổi quá nhiều so với đầu năm.

Kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 3.2022 không chỉ là câu chuyện riêng của Thép Vicasa hay Thép Thủ Đức, mà đây là vấn đề chung của các doanh nghiệp thép hiện nay.

Trong bối cảnh ngành thép khó khăn, Thép Pomina mới đây đã vừa phải dừng hoạt động một lò cao (BF) từ ngày 23.9 và đồng thời phải cắt giảm nhiều lao động của công ty.

Trước đó, Pomina ghi nhận quý 2 lỗ gần 64 tỉ đồng trong bối cảnh sản lượng và giá bán thép giảm mạnh. Ngoài ra, tác động còn đến từ sự suy giảm về doanh thu tài chính sụt và các khoản chi phí gia tăng.

Còn trong báo cáo mới đây, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3 Hòa Phát còn khoảng 2.100 tỉ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh trong quý 3.2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong giai đoạn này là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép cuộn cán nóng HRC giảm 32% so với cùng kỳ, giá than cốc cao và lỗ tỉ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.

Trước đó, SSI Research cũng dự phóng, lợi nhuận năm 2022 của Hoa Sen Group là 1.400 tỉ đồng, giảm 67% so với năm 2021 và Nam Kim là 1.350 tỉ đồng, giảm 39% so với năm ngoái.

Với việc giá nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh, giá thép xây dựng giảm, các nhà máy thép trong nước đang phải đối diện mức lỗ lớn do tồn kho giá cao. Mặc khác, các nhà thương mại và cửa hàng cũng giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm tiếp trong thời gian tới.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.