16/09/2020 2:32 PM
Trước ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 2, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm mạnh lao động do không đảm bảo được dòng tiền. Tuy nhiên, theo khảo sát, các doanh nghiêp không còn hào hứng đưa ra các kiến nghị về giải pháp hỗ trợ như trước. Thậm chí, đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì kiến nghị nhiều lần mà gần như không có thay đổi.

Đồng loạt cắt giảm lao động vì…bí tiền

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa tiến hành khảo sát ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 đến cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả cho thấy tác động dịch bệnh lần này đặc biệt lớn.

Theo Ban IV, có 20% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, đã phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và 6 tháng tới là không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng. Trong khi việc đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%) cũng như trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%) là những gánh nặng lớn tiếp theo đè lên doanh nghiệp.

Theo khảo sát, ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các doanh nghiệp, đại lý tour, bán vé... sa thải phần lớn lao động

Theo kết quả khảo sát, có tới 76% doanh nghiệp cho biết hiện không cân đối được thu chi, trong đó hơn một nửa doanh nghiệp có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí. Chỉ 7% doanh nghiệp trả lời có dòng tiền đáp ứng trên 75% chi phí.

Ban IV cho rằng, trước ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần hai, số lượng doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo của năm 2020 sẽ tăng mạnh. Đồng thời, nếu số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không cơ cấu lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài thì dự báo số lượng doanh nghiệp chờ giải thể có thể tăng cao tương ứng khoảng 40% vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này cũng khiến hơn 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm tới 1/3 số doanh nghiệp trả lời. Ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé thì phần lớn sa thải 100% lao động. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% còn con số của những doanh nghiệp du lịch lớn trung bình ở khoảng 40 – 50%.

Thất vọng vì chính sách hỗ trợ chậm trễ

Trước tình hình trên, hầu hết các doanh nghiệp và hiệp hội đều đề xuất với Chính phủ việc xây dựng, thực hiện các gói chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để duy trì hoạt động tối thiểu trong vòng 6 – 12 tháng tới.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội dành cho người lao động, và cắt giảm mạnh các quy trình, thủ tục hành chính và các điều kiện bất hợp lý, đẩy mạnh trực tuyến quá trình này để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận chính sách thuận lợi hơn.

Ban IV cho biết, một vấn đề hết sức đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự thất vọng vì kiến nghị chính sách hỗ trợ nhiều lần mà gần như không có thay đổi

Doanh nghiệp cho biết còn khó tiếp cận các chính sách bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý, mất nhiều thời gian chờ đợi. “Họ không còn hào hứng đưa ra giải pháp, kiến nghị cho Chính phủ và thậm chí đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì “kiến nghị nhiều lần mà gần như không có thay đổi”. Đây cũng là một phần hệ luỵ của việc nhiều doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng bởi dịch. Đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định tương lai khiến góc nhìn của doanh nghiệp có xu hướng tiêu cực hơn”, Ban IV chỉ rõ.

Ban IV đề xuất chính sách Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình làm chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu.

Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã kiệt quệ và đổ vỡ thì nên hướng tới những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì lao động, sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

  • Doanh nghiệp trông chờ gì ở gói hỗ trợ lần 2?

    Doanh nghiệp trông chờ gì ở gói hỗ trợ lần 2?

    Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động vượt qua cú sốc COVID-19, các bộ ngành đang nghiên cứu chính sách về gói hỗ trợ lần 2. Cách nào để gói hỗ trợ không kém hiệu quả, đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận… như gói hỗ trợ lần 1?

Dương Hưng (TPO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.