Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang muốn mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Có thể những khoản nợ đang rất "xấu xí" trong mắt ngân hàng nội nhưng nó lại đang trở thành "món ăn" ngon với các nhà đầu tư ngoại. Vấn đề này hiện đang đứng trước những luồng ý kiến trái chiều.

Theo ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, hiện nay, nhiều nhà đầu tư ngoại đang tỏ ra rất hào hứng về các khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, để xử lý các khoản nợ xấu khổng lồ, Việt Nam nên mở cửa cho nước ngoài tham gia như cách Thái Lan, Malaysia... đã làm.

Ông Sameer Goyal còn cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ bất động sản Việt Nam, nhưng họ không biết mua theo cách nào. Họ chưa tiếp cận được thông tin về tài sản, chưa thể định giá, chưa biết rõ về chính sách, cách xử lý tài sản đó ra sao để có thể có lợi.

Ảnh minh họa

Trước đây, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm từng khẳng định: "Tôi băn khoăn về việc các nhà đầu tư nước ngoài có được tham gia vào hoạt động mua, bán nợ xấu? Giữa thời buổi khó khăn như hiện nay, nếu chỉ bán trong nước thì đối tượng mua sẽ không nhiều. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của công ty còn phụ thuộc vào công tác quản lý và các chính sách để đơn vị này có thể tiếp tục hoạt động được".

Trao đổi với PV về vấn đề này, Ths. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế Chính trị thế giới cho rằng: "Theo tôi, trong vài năm tới, Việt Nam chưa thể trông đợi vào bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, những rào cản về pháp lý, thủ tục bán nợ xấu, tỷ lệ sở hữu cổ phần, quyền nắm giữ đất đai... với nhà đầu tư nước ngoài chưa thể sớm tháo gỡ. Thứ hai, việc bán rẻ nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ là biện pháp cuối cùng. Chúng ta cần phải biết tận dụng nguồn nội lực để xử lý nợ xấu".

Trả lời những thắc mắc của các chuyên gia và các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch thường trực VAMC khẳng định, thời gian qua, rất nhiều tổ chức nước ngoài đặt vấn đề mua nợ xấu của Việt Nam. Có thể nhiều tổ chức kinh tế nước ngoài tin rằng giá bất động sản tại Việt Nam đã đến "đáy" nên muốn thông qua VAMC để mua những tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Do đó, VAMC cũng sẽ phải thận trọng khi tính tới việc bán tài sản nợ bất động sản của doanh nghiệp, không thể vội vàng bán rẻ khi thị trường đang "đóng băng. Đến thời điểm này, VAMC chưa đặt vấn đề mua, bán nợ bất động sản với bất cứ tổ chức nào.

Sẽ phát hành 35.000 tỷ trái phiếu để mua nợ xấu

Theo đại diện của VAMC, từ nay tới cuối năm công ty này đặt mục tiêu phát hành 30.000-35.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để tối thiểu mua được 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Hiện nhiều ngân hàng đã gửi hồ sơ với rất nhiều khoản nợ đề xuất bán lại. VAMC đang nỗ lực đến cuối năm mua ít nhất 30.000 tỷ đồng nợ xấu.

Hồng Chân (Người Đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.