31/10/2017 11:44 AM
CafeLand - Trong giai đoạn 2007 – 2015, cả nước có 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong nhiều năm liền thế nhưng có một nghịch lý càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất.

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ kéo dài đến hết sáng 2/11.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 80 đại biểu bấm nút đăng đàn. Các ý kiến trên nghị trường trải rộng nhiều lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh tế, nợ công, thu hút đầu tư nước ngoài, đến buôn lậu, trồng rừng...

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, trong những ngày qua báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế đang gây ngạc nhiên cho cộng đồng đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong nước vốn đang tìm hướng đi cho mình. Con số hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt xa kỳ vọng, tăng 34,3% và vốn giải ngân cũng bất ngờ tăng mạnh, vượt 13,4% so với cùng kỳ và đây được cho là nguyên nhân góp phần vực dậy đà tăng trưởng của nền kinh tế. Thế nhưng đằng sau đó lại là nỗi lo giữa đầu tư, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng.

Theo ông Nhân, không thể phủ nhận FDI đã bổ sung một nguồn lực quan trọng cho phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế. Sau 25 năm qua, khu vực FDI từ chỗ chỉ đóng góp 2% vào GDP năm 1992 đã tăng lên 20% vào năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động và góp bình quân thu nhập đầu người hơn 2.000 USD...

Thế nhưng, dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng khu vực này chỉ góp vào ngân sách 15-19%, thấp nhất trong 3 khu vực.

Theo ông Nhân, giai đoạn 2007 - 2015 cả nước có 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong nhiều năm liền. Thế nhưng càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất.

Dẫn số liệu thống kê từ năm 2015, ông Nhân cho biết, trong 1.000 doanh nnghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cho thấy một nghịch lý là doanh nghiệp FDI xuất hiện nhiều nhất 46% nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần.

Dẫn số liệu từ Oxfarm, ông Nhân nói mỗi năm Việt Nam bị thất thoát 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá. Ngoài ra, 80% khoản thu của doanh nghiệp ngoại được nộp về chính quốc, chỉ 20% số này góp vào thuế thu nhập doanh nghiệp song với số doanh nghiệp báo lỗ lớn thì “số thu này gần như bằng không”.

Một trong những mục tiêu thu hút đầu tư là nhằm hấp thụ và chuyển giao công nghệ, thế nhưng theo thống kê chỉ có 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, dù là công nghệ cao thì công đoạn thực hiện tại Việt Nam chủ yếu là lắp ráp.

Ông Nhân cho rằng, doanh nghiệp ngoại có nhiều ưu đãi, bao gồm miễn giảm thuế có thời hạn, cho phép chuyển lỗ, miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại đứng trước hàng loạt rào cản. “Nếu không đơn giản hoá thủ tục hành chính, muc tiêu có một triệu doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020 chỉ có ý nghĩa về mặt con số”, ông nói và kiến nghị, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải chọn lọc, đưa ra cam kết chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá chặt chẽ hơn với doanh nghiệp FDI.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.