CafeLand - Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 của SSI, tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành năm 2019 khoảng 106.000 tỉ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường.

Nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức.

Với con số trên, trái phiếu bất động sản chỉ xếp sau nhóm ngân hàng (một số lô phát hành của các tổ chức đa ngành nghề nhưng mục đích sử dụng vốn là đầu tư bất động sản nên vẫn được xếp vào nhóm này).

Kỳ hạn bình quân của nhóm này là 3,7 năm và lãi suất bình quân là 10,3%/năm – cao nhất thị trường nếu loại trừ lô phát hành của Hồng Hoàng.

Cũng theo báo cáo, nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó các ngân hàng thương mại mua khoảng 19.000 tỉ đồng, các công ty chứng khoán mua 4.400 tỉ đồng, tổ chức nước ngoài mua 1.660 tỉ đồng các trái phiếu của Khang Điền, Phát Đạt, Đất Xanh. Còn lại được ghi chung chung dưới tên là “tổ chức trong nước” hoặc thiếu thông tin cụ thể.

Theo SSI, Ngân hàng Nhà nước đang định hướng giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thông qua điều chỉnh hệ số rủi ro để tính chỉ số CAR tại thông tư 22/2019/TT-NHNN nên kênh trái phiếu tất yếu sẽ được các doanh nghiệp bất động sản tìm đến.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, cũng cho rằng phát hành trái phiếu sẽ là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm đến trong thời gian tới.

Ngoài việc tín dụng vào bất động sản khó khăn hơn, kênh huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã được tiếp cận và khai thác nhiều, trong khi số lượng các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam thì hữu hạn. Chính vì vậy, doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mạnh việc tiếp cận các kênh vốn khác, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Dung, để đẩy mạnh kênh trái phiếu và thu hút được nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải có thông tin rất rõ ràng vì trái phiếu là kênh huy động tốt nhưng khá rủi ro. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp thông tin không đầy đủ rõ ràng và chưa minh bạch sẽ rất khó bán được trái phiếu doanh nghiệp. Nếu bán được rồi thì rủi ro khá cao cho những người đi mua.

Phía SSI dự báo, trái phiếu bất động sản thời gian tới sẽ nở rộ vì lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao. Tuy vậy, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro nên cần sự tăng cường giám sát từ các cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.

Cũng theo SSI, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua một năm 2019 phát triển rất sôi động. Bên cạnh các thành tựu rất đáng ghi nhận, còn có một số điểm đáng lưu tâm.

Đầu tiên, thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung được định hướng phát triển thành kênh huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, thay thế dần cho kênh tín dụng. Tuy nhiên, thực tế các ngân hàng thương mại lại là tổ chức phát hành lớn nhất trong đó gần 70% trái phiếu kỳ hạn ngắn nhưng lại ở lãi suất thấp.

Thứ hai, các nhà đầu tư cá nhân ngày một tham gia tích cực hơn vào thị trường nhưng các cơ chế bảo vệ nhóm nhà đầu tư này chưa thực sự hoàn chỉnh.

Thứ ba, một số doanh nghiệp đã chia nhỏ các đợt phát hành để chào bán riêng lẻ, nhờ đó không phải thực hiện các nghĩa vụ về công bố thông tin.

Thứ tư, thông tin công bố thường thiếu chi tiết về mục đích sử dụng vốn trái phiếu, tình hình tài chính của doanh nghiệp trước và dự kiến sau phát hành.

Thứ năm, thông tin công bố còn khó tra cứu và chưa đầy đủ. Ví dụ nội dung đối tượng mua trái phiếu từ chỗ ghi rõ tên người mua đã rút lại chỉ còn ghi “tổ chức trong nước”.

Việc Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 để trình Chính phủ cho thấy các vấn đề này đều đã được nhận diện và xử lý.

“Nhu cầu lớn từ thị trường và hiệu lực điều hành từ cơ quan quản lý là những yếu tố cơ bản thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong tương lai”, SSI nhận định trong báo cáo.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.