16/11/2021 2:07 PM
Trong khi mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhiều ngân hàng hiện nay chỉ khoảng 6%/năm, thì các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng cam kết trả lãi lên tới 13%/năm khi huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua phát hành trái phiếu cam kết trả lãi lên tới 13%/năm.

Theo tổng hợp từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trong tháng 10.2021 có diễn biến giảm nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,7% và 5,5% vào cuối tháng 10.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đối với cả 2 loại kỳ hạn trên trong tháng 10, lần lượt 0,04 và 0,14 điểm phần trăm, xuống còn 4,41% và 5,25%/năm.

Trong khi đó, đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh tăng 0,02 điểm phần trăm, lên mức 5,39%/năm; trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tiếp tục giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Ngược lại, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng thứ 3 liên tiếp, duy trì ở mức 3,775% và 4,95%/năm.

Trong khi đó, trên thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm, lãi suất huy động vốn qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản dao động trong khoảng 5,2-13%/năm. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng giá trị phát hành trên toàn thị trường 10 tháng đầu năm. Trong đó có khoảng có khoảng 27,56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Chỉ riêng trong tháng 10.2021, nhóm doanh nghiệp bất động sản thế chân nhóm ngân hàng đứng đầu về tổng giá trị phát hành với 16.575 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành, trong đó có khoảng 25% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Trong nhóm doanh nghiệp bất động sản, đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ Công ty Cổ phần Osaka Garden (4.300 tỷ đồng) với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,32%/năm cho kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau. Tiếp đến là Công ty Cổ phần Vinhomes phát hành 2.280 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, với lãi suất cho 4 kỳ đầu là 8,8%/năm, kỳ hạn 3 năm.

Có thể thấy, bối cảnh nhu cầu vốn dài hạn rất lớn và kênh tín dụng truyền thống bị siết chặt, trái phiếu ngày càng trở thành kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, sức hút trái phiếu doanh nghiệp dường như không chỉ đến từ chất lượng kinh doanh, mà chủ yếu đến từ lãi suất cao với kỳ trả lãi thông thường là 3 tháng 1 lần, mang lại dòng thu nhập đều đặn. Mức lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng cam kết trả cho người mua trái phiếu thậm chí cao gấp đôi mức lãi suất mà ngân hàng cam kết trả cho người gửi tiền tiết kiệm.

Người mua trái phiếu doanh nghiệp hiện chủ yếu là các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán, trong một vài trường hợp có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Khi lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm và hiểu biết của người dân về thị trường tài chính ngày càng tăng lên, trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành kênh đầu tư cuốn hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân, khiến họ dịch chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đã có nhiều cảnh báo đưa ra về việc lãi suất cao sẽ tương xứng với mức rủi ro cao, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi nhiều doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu hiện nay là các doanh nghiệp chưa niêm yết, chưa có nhiều thông tin công khai trên thị trường. Do đó, việc tìm hiểu đầy đủ thông tin, đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu là cần thiết cho các nhà đầu tư khi bước nhân vào thị trường này để kiếm lời.

  • Trái phiếu bất động sản: Món hời hay cục nợ?

    Trái phiếu bất động sản: Món hời hay cục nợ?

    Kênh tín dụng bị siết chặt đã thúc đẩy nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp tăng cao, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia kênh đầu tư này mà không tìm hiểu kỹ có thể sẽ gặp nhiều rủi ro.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.