Một trong những doanh nghiệp đang có quỹ đất lớn là Công ty Vinhomes. Doanh nghiệp này công bố đang sở hữu 16.800 hécta đất, bao gồm 13.000 hécta đất khu dân cư, văn phòng và 3.800 hécta đất khu công nghiệp.
Trong năm nay, Vinhomes dự kiến ra mắt 3 dự án đô thị lớn gồm Vinhomes Dream City (460 hécta, Văn Giang, Hưng Yên), Vinhomes Wonder Park (133 hécta, Đan Phượng, Hà Nội) và Vinhomes Cổ Loa (385 hécta, Đông Anh, Hà Nội).
Với định hướng phát triển các siêu dự án quy mô lớn trong những năm tới, công ty này cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất không chỉ tại các vị trí chiến lược của tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM mà còn mở rộng tới những vùng đất giàu tiềm năng ven biển.
Đầu năm 2022, Tập đoàn Novaland công bố tổng quỹ đất đã tích lũy và đang nghiên cứu phát triển vào khoảng 10.600 hécta tính đến cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với con số công bố một năm trước.
Trong số quỹ đất này có các dự án tại Bình Thuận, Lâm Đồng, TP HCM và Đồng Nai, với kế hoạch phát triển gồm 3 dòng sản phẩm chủ lực: bất động sản đô thị, bất động sản đô thị du lịch và bất động sản công nghiệp.
Dù đang sở hữu lượng quỹ đất khủng, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết vẫn tiếp tục mở rộng quỹ đất thông qua hoạt động M&A ở trung tâm TP.HCM và các khu vực vệ tinh.
Đồng thời, tập đoàn này sẽ mở rộng về phía đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trong dài hạn, Novaland sẽ phát triển ra khu vực phía bắc, bao gồm Hà Nội, các tỉnh thành có kết nối tốt với thủ đô và các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ.
Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, Novaland sẽ phát triển 100.000 sản phẩm; giai đoạn 2026-2030 phát triển và cung cấp ra thị trường 150.000 sản phẩm.
Một dự án khu đô thị đang được đầu tư xây dựng taị Đồng Nai. Ảnh: H.Sang
Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phát Đạt cũng nằm trong những cái tên gây chú ý, với quỹ đất tính đến cuối năm 2021 là 5.804 hécta, tăng gấp 12 lần so với năm 2020
Quỹ đất này tập trung nhiều ở Quảng Ngãi (4.173 hécta), Đà Nẵng (535,27 hécta), Đồng Tháp (394,34 hécta), Bình Dương (282,7 hécta)... Nếu tính cả quỹ đất cho bất động sản khu công nghiệp, thì tổng quỹ đất của Phát Đạt là 7.404 hécta, có thể đáp ứng phát triển trong 5-10 năm tới.
Không đứng ngoài cuộc đua săn quỹ đất, Tập đoàn Đất Xanh mới đây cũng cho biết đang có trong tay khoảng 2.500 hécta đất. Mới đây, công ty cũng thông qua chủ trương đầu tư vào một dự án 200 hécta tại Bình Phước, với mức đầu tư khoảng 6.840 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp đang nghiên cứu một dự án 915 hécta tại Ninh Thuận và một dự án khác rộng 278 hécta tại Quảng Nam.
Dù mới có 5 năm chuyển đổi từ nhà tư vấn và môi giới bất động sản sang làm chủ đầu tư dự án, nhưng Công ty An Gia cũng đang có trong tay 80 hécta đất tại TP.HCM và các thành phố vệ tinh.
Trong năm 2021, An Gia công bố đã mua khoảng 3.2hécta đất tại Bình Chánh với quy mô 3.000 sản phẩm sẵn sàng phát triển trong năm 2023 và trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30-50 hécta quỹ đất thấp tầng. Trong giai đoạn 2022 - 2024, công ty này dự kiến đưa ra thị trường khoảng 11.400 sản phẩm với doanh thu khoảng 1,5 tỉ USD.
Đánh giá về bức tranh thị trường bất động sản hiện nay, ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam, nhận định các hoạt động kinh doanh đã khởi sắc hơn ở hầu hết các lĩnh vực trong quý vừa qua. Thị trường bất động sản cũng chứng kiến các dấu hiệu phục hồi sớm.
Về lâu dài, ông Jackson cho rằng sự phát triển của đầu tư công, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của bất động sản trong những năm tới.
-
Bất động sản nghỉ dưỡng mở rộng quỹ đất, chuyên gia nói gì?
Thị trường bất động sản vừa khép lại quý 1 với nhiều tín hiệu lạc quan, trong đó ghi nhận việc các doanh nghiệp đang tập trung mở rộng quỹ đất bất động sản nghỉ dưỡng ở các địa phương cũng như rục rịch triển khai các dự án nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi sau mở cửa.