01/06/2013 7:43 AM
Tám năm trước, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành 1% kế hoạch này vì hàng loạt vướng mắc từ chính sách. Vừa qua, UBND đã xem xét tờ trình thực hiện Luật Thủ đô về việc ban hành nghị quyết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ.

Hiện tại Hà Nội có 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ từ 1-3 tầng… với tổng diện tích khoảng 5 triệu mét vuông. Hầu hết các chung cư cũ đều được xây dựng từ năm 1980 trở về trước, nay đã xuống cấp trầm trọng. Đến nay thành phố mới chỉ tập trung giải quyết một vài nhà chung cư cũ nguy hiểm, buộc phải di dời. Trên thực tế, còn nhiều nhà chung cư cũ được “xếp hạng” ở mức độ nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Vì sao việc cải tạo, xây mới lại diễn ra ì ạch như vậy? Có một số chủ đầu tư được thành phố giao nhiệm vụ nhưng nhận dự án rồi để đấy. Có doanh nghiệp lại đề nghị thành phố cho phép nâng cao tầng để đảm bảo tái đầu tư. Còn một nguyên nhân khác là theo quy hoạch chung cư Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực nội đô “lõi” cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người.

Đặt kỳ vọng sẽ “đột phá” tiến độ cải tạo chung cư cũ đang bế tắc, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó UBND TP Hà Nội nhất trí cho phép người dân góp vốn tham gia thực hiện dự án cùng nhà đầu tư bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ. Nếu trước đây chủ đầu tư bỏ tiền ra xây lại chung cư cũ, thì nay người dân có quyền góp vốn bằng tài sản căn hộ, hoặc bằng tiền với chủ đầu tư để sau đó hai bên chia tỷ lệ lợi nhuận. Như vậy vừa tháo gỡ cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn, vừa giảm được chi phí cho dự án. Hơn thế, khi người dân góp vốn họ sẽ cùng chịu rủi ro, quyền lợi với chủ đầu tư nên sẽ kiểm soát được tiến độ, hoạch toán của dự án. Tuy nhiên, giải pháp này chưa nhận được sự mặn mà của cả doanh nghiệp lẫn người dân. Phó Tổng giám đốc một công ty xây dựng nhà ở cho rằng, đây là một giải pháp khá hay của Hà Nội. Song, “ẩn số” của bài toán này là cơ quan quản lý phải kiểm soát được tỷ lệ phân chia theo cổ phần khi cho phép các cổ đông bên ngoài tham gia góp vốn, tránh những lợi ích nhóm. Về phía người dân, với tình hình thị trường bất động sản “đóng băng” hiện nay, họ cũng không dễ dùng quyền sở hữu nhà ở của mình để đầu tư vào những dự án mờ mịt này. Họ lo nhất là dự án được giao cho những chủ đầu tư không làm thật mà chỉ “xí chỗ” rồi để đấy.

Hoàn toàn có lý khi một quan chức Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ vướng mắc từ nhiều năm nay vì khó tìm được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và người dân chung cư do mâu thuẫn về lợi ích.

Đan Thanh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.