21/10/2015 7:53 AM
Theo Luật Quản lý nợ công năm 2009, nợ công của nước ta không bao gồm nợ của Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo của Chính phủ cuối năm 2013, tổng nợ của doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP.

Nếu trừ khoản nợ đã được Chính phủ bảo lãnh (5,2% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn khoảng 40,9% GDP nợ của các DNNN không được Chính phủ bảo lãnh. Nợ của DNNN, nợ chính phủ và nợ công đều đang tăng rất nhanh, trong khi mỗi bộ phận này có tính chất, cấu trúc khác nhau, đem lại những rủi ro khác nhau.

Trong cơ cấu vay nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ lệ tương đối lớn và có xu hướng tăng mạnh. Nợ được Chính phủ bảo lãnh phần lớn là nợ nước ngoài của các DNNN, hầu hết là các khoản vay ngắn hạn. Trong điều kiện DNNN làm ăn kém hiệu quả như hiện nay, nghĩa vụ trả nợ đều dồn lên vai Nhà nước.

Bộ Tài chính nhiều lần tuyên bố nợ DNNN tự vay tự trả, song ngân sách nhà nước đã phải trả cho nhiều dự án, như khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin, khoản nợ 45 triệu USD của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), hàng chục triệu USD của HUD...

Việc không tính nợ của DNNN vào nợ công của nước ta rất khó lường trước được rủi ro, làm cho Việt Nam có khả năng rơi vào bẫy khủng hoảng nợ công, bởi nợ của DNNN là rất lớn, trong đó phần lớn là vốn vay.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngày 1/11/2010, nợ của 81/91 DNNN, chưa tính Vinashin, trong năm 2009 là 813.435 tỷ đồng, tương đương 49% GDP. Nếu tính cả nợ của Vinashin thì nợ của khu vực DNNN vào cuối năm 2009 tương đương 54,2% GDP.

Con số nợ công của Việt Nam đến nay chưa thống nhất, số liệu nợ công thường chỉ được công bố sau một đến một năm rưỡi. Các chuyên gia kinh tế tính toán, nếu cộng cả số nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản, nợ công Việt Nam có thể lên tới 100 - 105% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn là 65% GDP mà Quốc hội cho phép.

Như vậy, nếu theo cách tính nợ công của thế giới, các khoản nợ của các DNNN và Ngân hàng Nhà nước đều tính vào nợ công, thì nợ công của nước ta sẽ cao hơn rất nhiều.

Chính sách mở rộng phạm vi, đối tượng bảo lãnh của Chính phủ cho DNNN vay vốn góp phần làm nợ công tăng cao. Phạm vi bảo lãnh của Chính phủ rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như thép, xi măng, giấy, điện, than, khoáng sản, cảng biển, y tế và các dự án đầu tư hạ tầng.

Theo Bộ Tài chính, đến năm 2013, nợ do Chính phủ bảo lãnh là 396.114 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 2010 - 2013 khá cao, tới 20,8%.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục bảo lãnh DN vay thực hiện các dự án trọng điểm với trị giá bảo lãnh bình quân 3 - 4 tỷ USD/năm. Phát hành trái phiếu trong nước, mức tăng dư nợ bình quân 10%/năm với nhu cầu vay Chính phủ bảo lãnh từ 60 - 70 nghìn tỷ đồng/năm.

Một điểm lo ngại nhất là hiệu quả kinh tế của các DNNN rất thấp và có xu hướng giảm. Hệ số ICOR của khu vực DNNN luôn cao hơn khu vực tư nhân và toàn bộ nền kinh tế, đồng nghĩa với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước thấp hơn các khu vực còn lại, trong khi tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ công ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội ngày 20/10/2014, tỷ lệ trả nợ từ DNNN đã ở mức 26,2%, cao hơn so với mức 25% cho phép trong chiến lược quản lý nợ công. Dự kiến, năm 2015 tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ chính phủ, gồm cho vay lại/thu ngân sách nhà nước có thể lên tới 31,87%.

Nhìn vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 có thể thấy nước ta sẽ tiếp tục phải vay để trả nợ và bù đắp những thiếu hụt đầu tư, bởi tỷ lệ tiết kiệm nội địa hiện chỉ khoảng 27% GDP, trong khi mức đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế chỉ đạt khoảng 30% GDP.

Nợ công thời gian tới phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, cùng với một loạt giải pháp kiểm soát, giám sát chặt chi tiêu công..., nước ta phải thay đổi cách tính nợ công, trong đó tính cả nợ DNNN, mà trước hết là nợ các DNNN được bảo lãnh trong cơ cấu nợ công. Chỉ như vậy Việt Nam mới có thể tính chính xác số nợ công hiện tại, ngưỡng rủi ro, để đưa ra giải pháp quản lý nợ công hiệu quả.

Ngày 6/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước. Nghị định 87 có hiệu lực thi hành từ 1/12/2015, thay thế Nghị định 61/2013/NĐ-CP.
Hải Vân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.