15/10/2011 4:49 PM
Các công ty BĐS đang tìm cách vượt khó trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao. Trong khi đó, mảng xây lắp cũng không còn mang lại doanh thu và lợi nhuận dồi dào như trước.

Hết quý III/2011, CTCP Ligogi 16 (LCG) công bố điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm 46,4%, xuống còn 130 tỷ đồng. Một trong những lý do là Công ty phải vay vốn với lãi suất cao (trên 20%/năm) và những khó khăn chung từ thị trường vốn, nên việc thu hồi vốn từ các công trình đã và đang hoàn thiện bị chậm khoảng 3 - 6 tháng, khiến chi phí tài chính tăng cao.


Trong khi đó, hồi tháng 6, sau khi thực hiện chia cổ phiếu thường và cổ tức, LCG vẫn tin tưởng có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 250 tỷ đồng, cổ tức đạt 25%.


Ông Phạm Xuân Diện, người công bố thông tin của LCG trao đổi với ĐTCK hồi giữa năm cho biết, kế hoạch lợi nhuận của LCG "được xây dựng trên những nguồn thu sẵn có từ dự án đầu tư thiết bị bê tông đầm lăn - Thủy điện Bản Chát (Lai Châu) và bán dự án ở Khu dân cư Long Tân (Nhơn Trạch, Đồng Nai)". Tuy nhiên, sự chậm trễ thanh toán của chủ đầu tư Thủy điện Bản Chát là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cộng với sự đóng băng của thị trường BĐS đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận của LCG.


Theo phản ánh của các DN thì tình trạng nợ đọng vốn của chủ đầu tư là DNNN và dự án có nguồn vốn ngân sách đã diễn ra từ lâu, nhưng trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay làm tăng gánh nặng chi phí vốn cho DN. Khi các nguồn thu không đủ bù đắp chi phí, việc DN bị thua lỗ là đương nhiên.


Đại diện một DN trên sàn UPCoM cho biết, trước kia những dự án công ty thi công có vốn ngân sách luôn được ngân hàng ứng vốn nhiệt tình. Nhưng khi có chủ trương giảm đầu tư công, ngân hàng khá ngần ngại với các dự án dạng này. Với xu thế cắt giảm đầu tư công còn tiếp diễn, các DN niêm yết có thị phần xây lắp ở mảng dùng vốn nhà nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn. Trong khi đó, mảng BĐS vẫn chưa thấy có cơ hội sáng sủa hơn.


Là DN có hoạt động xây lắp dự án thủy điện sử dụng vốn nhà nước, CTCP Chương Dương (CDC) cho biết, nguồn vốn cho dự án vẫn được cung cấp bình thường. Nhưng trong quý III, kết quả kinh doanh của CDC ở tình trạng thu chỉ đù bù chi, do thời gian này Công ty không bán được căn hộ dự án Tân Hương như kế hoạch. Mất một thời gian dài xin điều chỉnh thiết kế căn hộ nhỏ hơn, trong tháng 10, CDC hợp tác với Sàn BĐS Eden bán được 15 căn hộ. Việc bán căn hộ sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cho CDC trong quý IV, giúp cải thiện phần nào tình hình kinh doanh so với quý III.


Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 (SC5) cho biết, mảng xây lắp đang nuôi mảng BĐS của Công ty khi SC5 còn tồn 400 căn hộ tại dự án phường 21 quận Bình Thạnh, tương đương số vốn đọng 1.000 tỷ đồng.


Một số dự án khác, SC5 phải giãn tiến độ. Riêng hoạt động xây lắp của Công ty vẫn bình thường do SC5 chủ yếu nhận thi công dự án cấp thoát nước hay nhà cao tầng cho chủ đầu tư là các CTCP hay dự án sử dụng vốn ODA. "Chúng tôi phải hạn chế thi công các dự án từ nguồn vốn ngân sách do thời gian thanh toán kéo dài rất rủi ro. Điển hình như dự án Bệnh viện Gia Định, Trường học Thanh Đa, quận Bình Thạnh vẫn còn nợ Công ty gần chục tỷ đồng", ông Mỹ cho biết.


Còn CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) chủ yếu thầu dự án của chủ đầu tư tư nhân hoặc công ty nước ngoài, có nguồn vốn được hoạch định sẵn. Tuy nhiên, cũng có chủ đầu tư mà HBC phải kiên quyết đòi nợ thì mới trả. "Trong điều kiện lãi suất cao hiện nay, nếu không quản lý công nợ tốt thì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng lớn", ông Võ Đắc Khôi, Giám đốc kế hoạch của HBC cho biết.


Tình hình kinh doanh của các công ty BĐS và xây lắp đang phân hóa tùy theo đặc điểm của từng công ty. Xu thế chủ đạo là xây lắp vẫn gánh cho BĐS, nhưng con số lợi nhuận cụ thể không thể đạt kỳ vọng như hồi đầu năm. Dự kiến sang năm 2012, kỳ vọng lợi nhuận có thể còn thấp hơn, nhất là với những công ty có thị phần xây lắp sử dụng vốn nhà nước hoặc mảng BĐS đầu tư chủ yếu các dự án chung cư cao cấp có giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên.

Theo Thành Nam (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.