25/12/2012 8:50 PM
Sau bài viết “Gánh nặng chưa đúng lúc”, DĐDN đã nhận được nhiều phản hồi của DN về các loại thuế phí. Theo các DN, họ đang cố “gồng mình gánh” giá tiền thuê đất tăng cao theo Nghị định 121/2010/NĐ-CP, thì Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được áp dụng tiếp vào năm 2012 khiến nhiều DN chồng chất khó khăn.
Khu đất này tại Bãi Cháy - Quảng Ninh, nếu phải thu tiền thuê đất theo Nghị định 121 thì giá thuê có thể tới gần 1 triệu đồng trên 1 m2/năm

Với các mức áp giá khác nhau tùy theo từng trường hợp : 0,03; 0,07; 0,15…0,2% tuy không cao nhưng cũng khiến không ít DN thêm lo lắng.

Liệu có hợp lý?

Chỉ mới theo Nghị định 121 có DN, mức nộp tiền thuê đất “ổn định” 5 năm tiếp theo lên tới con số kỷ lục… 2.000%! Chưa dừng lại ở đó, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (Luật thuế SDĐPNN) được tiếp tục ra đời và thực thi từ năm 2012 (mức thuế ổn định cho 5 năm) với mức thuế cho các DN sử dụng đất hợp lý là 0,03%. Mới nghe tưởng như đơn giản nhưng chúng ta thử làm phép tính: Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả có tổng diện tích thuê đất khoảng 250.000 m2; giá thuê đất phải nộp năm 2010 khoảng 1 tỉ đồng; năm 2011 áp dụng theo Nghị định 121 (nếu tỉnh Quảng Ninh không điều chỉnh hệ số) thì DN này phải nộp 9,6 tỉ đồng; năm 2012 áp dụng tiếp Luật thuế SDĐPNN thì DN này phải đóng thêm gần 500 triệu đồng nữa. Trong khi nhà máy kẽo kẹt lắm mới đạt 10 tỉ đồng lợi nhuận/năm. Với cách tính như vậy thì một nhà máy có bề dày hoạt động gần nửa thế kỷ, giữa vùng khoáng sản cũng đành “giậm chân tại chỗ” chứ không thể phát triển, thậm chí có thể không thể tồn tại ?

Ông Nguyễn Hữu Bôn – Chủ tịch HĐQT Cty Việt Thắng – Hải Phòng phát biểu: “Người thuê QSDĐ DN còn người cho thuê đất là Nhà nước vậy thì tại sao khi người cho thuê thay đổi điều khoản hợp đồng mà không có sự thỏa thuận của người thuê. Tức DN từ trước chỉ đóng tiền thuê đất, nay lại phát sinh thêm tiền thuế ? Đã thuê rồi thì thôi thuế chứ!”.

Thực ra, trước khi Luật thuế SDĐPNN ra đời thì DN chỉ phải nộp tiền thuê đất hàng năm. Và thuế SDĐPNN này có khái niệm khác là: thuế nhà đất chỉ áp dụng cho đất ở. Sau này đổi tên gọi là chung là thuế SDĐPNN, chỉ thay đổi khái niệm này thì đất đang thuê sản xuất kinh doanh phải chịu chồng thêm một loại thuế mới và đối tượng chịu thuế đã tăng lên rõ rệt. Có thể nói khoản “phụ thu” này nếu hoàn toàn đúng thì có nghĩa là từ trước chúng ta đã tạo ra một “kẻ hở” để một khoản không ít tiền thuế bị thất thoát?

Đây không phải riêng ý kiến của ông Nguyễn Hữu Bôn mà nhiều DN đều không đồng tình với cách thu chồng lên nhau như kiểu này. Có người nói, 0,03% tiền thuế đất (ba phần nghìn của giá quyền sử dụng đất theo giá thị trường); nhưng có vị trí mà 1 m2 đất theo thị trường có giá từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng/m2 thì tiền thuê đất không hề nhỏ. Ví dụ giá 1 m2 đất ở trung tâm đô thị đắc địa nhất là 1 tỉ thì tiền thuế đất bằng 3 triệu đồng/m2/năm, cộng với tiền thuê đất theo Nghị định 121 nữa thì DN nào chịu nổi ? - ông Bôn nêu câu hỏi.

Đã khốn lại càng thêm khó !

Ông Đỗ Quang Sáng – Giám đốc Cty XNK Thủy sản Quảng Ninh ngậm ngùi: “Trong lúc sản xuất kinh doanh đình trệ, khó khăn như thế này mà tăng tiền thuê đất lên ngất ngưởng rồi áp dụng tiếp tiền thuế đất nữa thì khó khăn lại chồng lên khó khăn. Tuy chúng tôi phải có nghĩa vụ chấp hành luật thuế, nhưng Nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho chúng tôi chấp hành được chứ!”.

Thực tế cho thấy, khi Nhà nước cho phép hoạt động dịch vụ kinh doanh thương mại hàng tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu Móng Cái thì nhiều DN XNK ùn ùn kéo ra đây thuê đất, xây dựng kho bãi. Sau khi thị xã Móng Cái đổi thành thành phố cùng với Nghị định 121 “đi vào cuộc sống” thì giá thuê đất cũng tăng theo. Đùng một cái, Nhà nước cũng tạm dừng hoạt động dịch vụ này lại, đồng nghĩa với một số DN trót thuê đất, đầu tư xây dựng kho tàng, bến bãi rồi “ngồi chơi xơi nước” mà vẫn phải đóng tiền thuê, thuế đất thì quả là khiến DN đứng ngồi trên “lửa”!

Thiết nghĩ, luật và thực tiễn xã hội là mối quan hệ khăng khít, hữu cơ. Do vậy chỉ dựa trên thay đổi một khái niệm là mở rộng đối tượng chịu luật điều chỉnh trong khi DN khó khăn, sản xuất suy giảm thì càng chứng tỏ luật chưa thực sự theo cuộc sống.

Theo Văn Nguyễn (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.