Đây là câu cửa miệng của lãnh đạo nhiều NHTM nhỏ hiện nay khi cân nhắc chuyện mở hầu bao cho DN vay tiền, đặc biệt là DN BĐS. Phòng thủ từ xa thông qua các công tác xét duyệt hồ sơ năng lực, kiểm tra khả năng làm ăn sinh lời, cũng như tính thanh khoản của các dự án BĐS luôn là phương châm bất di bất dịch của các nhà băng. Vì sao nên nỗi này? Phải chăng là DN không đáng tin, dù đã làm ăn với nhau từ nhiều năm nay, nên ngân hàng mới cẩn thận đến vậy. Thực tế, về phía doanh nghiệp, vẫn là những rắc rối về khả năng thanh khoản, nợ cũ - nợ mới, khó huy động vốn từ khách hàng… Một lý do được phía ngân hàng đưa ra lý giải vì sao vốn rẻ vẫn chảy “nhỏ từng giọt” xuống DN là xuất phát từ chính sự thiếu minh bạch trong tài chính cộng với việc thiếu các dự án khả thi của DN.
Theo đó, đang tồn tại tình trạng một số DN tìm mọi cách thức, mánh khóe không đàng hoàng để mong "làm đẹp" hồ sơ để vay vốn ngân hàng như: Các DN khi đấu thầu, vay vốn đều muốn có vốn điều lệ cao hơn cho hoành tráng, để thuận lợi chào mời đối tác, nên thường khai không đúng thực chất. Nhưng đến khi tính giá hay các điều kiện khác, họ lại muốn vốn thấp xuống để tính chi phí trong giá thành cao lên nhằm khấu trừ thuế nhiều hơn... Thậm chí nhiều DN còn toan tính kiểu: khi đến đăng ký kinh doanh hoặc cấp thay đổi đăng ký kinh doanh thường chưa thể có đầy đủ các điều kiện để hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp này, cơ quan quản lý gia hạn 3 - 6 tháng để DN hoàn thiện hồ sơ, nếu không thực hiện được thì phải báo cáo lại với cơ quan đăng ký kinh doanh. Nhưng hầu như không có DN nào thực hiện nghiêm túc. Nói cách khác, chính vì sự thiếu rõ ràng của mình mà DN đã tự đánh mất cơ hội được ngân hàng dành sự tin tưởng tuyệt đối.
Đành rằng sự “phòng hơn chống” của Ngân hàng là đúng, nhưng cách làm của họ lại tỏ ra có vấn đề, hay thậm chí là chỉ nhìn rất “ngắn”. Cụ thể, khi thẩm định cho vay với các DN BĐS, Ngân hàng sẽ xét đến tính khả thi của dự án tức là có tương lai hay không cả về có năng lực về công nghệ, về sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ (tính thanh khoản)… Nhưng sự thật là có khá nhiều NHTM chỉ chăm chăm nhìn vào lượng tài sản thế chấp (nhà cửa, giấy tờ sổ đỏ...) mà DN “trình” ra. Việc này vô hình chung biến quá trình thẩm định trở thành thừa. Vì nếu DN có đủ lượng tài sản thế chấp để vay một khoản tiền tương đương, thì họ đã làm từ lâu, chứ không phải đợi tới khi lãi suất giảm mới đi vay Ngân hàng. Cái DN cần là sự nhìn xa trông rộng của Ngân hàng, chứ không phải cách làm “đếm củ dưa hành” như hiện nay. Còn nếu ngân hàng không đủ năng lực, hoặc vì một lý do nhạy cảm nào đó, thì hãy tính tới việc thuê một đơn vị thẩm định dự án thứ 3 (có thể là tư vấn nước ngoài tại Việt Nam); hoặc thông qua một Cty mua bán nợ để Ngân hàng hoàn toàn có thể yên tâm mang về các sản phẩm BĐS của DN với giá cả hợp lý, rồi sau có thể đẩy ra thị trường khi địa ốc lấy lại sức sống.
Có ý kiến cho rằng, Ngân hàng cũng chỉ đơn thuần là một DN và bị nhiều DN BĐS qua mặt – vay tiền bằng thương hiệu lúc thị trường còn bay cao. Khi những con nợ này còn làm ăn thuận buồm xuôi gió thì không sao, nhưng khi gặp khó khăn liên tiếp thì những lỗ hổng này mới lộ rõ và lúc ấy dẫu có muốn bịt lại cũng rất khó vì diễn ra trên toàn hệ thống tín dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho những món nợ xấu tại hệ thống NHTM ngày một tăng cao. Sau cú sốc ấy, NHTM lại trở nên quá khắt khe trong thẩm định phê duyệt các hồ sơ vay vốn mới để đảm bảo an toàn hơn. Nhưng như vậy vô hình chung đã khiến cho một số DN lành mạnh muốn vay vốn cũng phải bị ảnh hưởng theo và những ai đói vốn thì vẫn hoàn đói vốn.
Chuyện dùng dằng giữa DN và ngân hàng liên quan tới vấn đề vay – cho vay đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có tiến triển về cách giải quyết. Xem ra, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý vĩ mô mới mong thúc đẩy được ngân hàng thay đổi về cách làm, cách cư xử “cẩn thận quá” đối với DN. Đồng thời, DN và Ngân hàng cũng cần rõ ràng, minh bạch với nhau để tháo gỡ sự dè chừng. Còn nếu kéo dài, cả BĐS lẫn Ngân hàng sẽ cùng rơi vào khủng hoảng, khi ấy cứu cả hai sẽ là bài toán đau đầu với các nhà hoạch định chính sách./.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành Hiện DN đang có hàng đống vốn vay hãy phân loại họ ra, xem họ có khả năng tiếp tục làm việc để trả nợ hay không, ví như xem họ có sản phẩm, thị phần, thị trường tốt hay có ban quản trị tốt hay không. Bởi nợ xấu là chuyện nhất thời nếu làm ăn tốt thì sẽ phá băng được những khoản nợ, còn những DN không có những yếu tố này thì tự họ đã đi vào chỗ chết rồi, không thể cho vay tiếp. Vì thế nhà nước nên nghiên cứu giải pháp tháo gỡ làm sao để ngân hàng có thể cho vay và các DN có thể vay. Còn các NH thì phải thay đổi cách làm việc ví như khi thẩm định dự án phải xem tính khả thi của nó chứ không nên tập trung toàn bộ vào tài sản thế chấp như trước |